Theo GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông, chuyến thăm lần này của 2 người bạn Thụy Sĩ là dịp để các nhân vật cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sau những năm tháng đau thương của chiến tranh.
Đặc biệt chuyến thăm trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng có ý nghĩa sâu sắc hơn. Đây cũng là thời điểm để nhìn lại những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, đồng thời tri ân những người bạn đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử.
Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông - Nguyễn Ngọc Hồi - điều hành buổi gặp gỡ
Ngày 19/1/1969, một sự kiện lịch sử đã diễn ra tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp, khi ba thanh niên Thụy Sĩ (Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Noé Graff) dũng cảm treo cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi đó, Bernard Bachelard mới 26 tuổi và là giáo viên thể dục. Noé Graff (24 tuổi) lúc đó đang là sinh viên khoa luật và Olivier Parriaux (25 tuổi) là sinh viên vật lý.
Tại cuộc gặp gỡ với báo chí, ông Bernard John Alexandre Bachelard và ông Olivier Maurice Parriaux đã chia sẻ về quyết định đầy liều lĩnh là leo trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris để cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm phản đối chiến tranh và ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam. Ông Olivier cũng đã chia sẻ về hành trình kéo dài 30 giờ đồng hồ đi từ Thụy Sĩ đến Paris để cắm cờ thành công. Hành động này không chỉ thể hiện tinh thần yêu hòa bình mà còn ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, trước thềm hội nghị 4 bên chính thức bắt đầu tại Paris.
Ông Olivier Maurice Parriaux kể lại hành trình cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Nhà thờ Đức Bà Paris
Ông Olivier bày tỏ sự bất ngờ và xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo và người dân TP Hồ Chí Minh. "TP Hồ Chí Minh đã đối đãi với chúng tôi quá tốt. Nhưng, khi đến đây chúng tôi nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều bom đạn chưa nổ đe dọa mạng sống của người dân. Khi đi thăm những nạn nhân chất độc, da cam chúng tôi phẫn nộ và quyết định sẽ đồng hành cùng bà Trần Tố Nga (nhà hoạt động môi trường người Pháp gốc Việt) trong vụ kiện chống lại các công ty hóa chất".
Ông Bernard xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo và người dân TP Hồ Chí Minh
Hiện tại vụ kiện có sự tham gia tự nguyện của một số luật sư người Pháp. Sắp tới hai ông sẽ tiếp tục kêu gọi tiềm lực, các mối quan hệ tại Thụy Sĩ và TP Hồ Chí Minh để theo đuổi vụ kiện đến cùng. "Vụ kiện này tạo tiền lệ để sau này chúng ta sẽ có thêm nhiều vụ kiện khác nữa để đòi lại công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và trên thế giới", ông Bernard nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi tặng hoa cho các khách mời
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi bày tỏ sự ngưỡng mộ và trân trọng trước sự khiêm tốn cũng như tình cảm mà 2 vị khách đến từ Thụy Sĩ đã dành cho Việt Nam. "Khi ở độ tuổi thanh niên họ đã vượt qua sợ hãi sẵn sàng đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. 55 năm sau họ lại tiếp tục đấu tranh vì những tàn dư của cuộc chiến vì những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và trên thế giới. Họ là những con người đáng để chúng ta ngưỡng mộ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!