Đường bộ cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe

VTV Times-Thứ năm, ngày 04/04/2024 09:59 GMT+7

Đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy. (Ảnh: Báo Đầu tư)

VTV.vn - Theo quy chuẩn mới do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, đường bộ cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe, tốc độ tối đa cho phép trên đường bộ cao tốc không vượt quá 120 km/h.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 06/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT đường bộ cao tốc.

Quy chuẩn quy định đường cao tốc là một cấp kỹ thuật của đường bộ, dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

Tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp: cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h.

Theo yêu cầu chung về quy định kỹ thuật, đường cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).

Các công trình gắn với đường cao tốc bao gồm: trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; trạm dừng nghỉ; hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; trạm kiểm tra tải trọng xe; hàng rào bảo vệ.

Quy chuẩn quy định số làn xe chạy trên đường cao tốc được xác định trên cơ sở lưu lượng xe thiết kế, nhưng không ít hơn 2 làn xe cho mỗi chiều. Chiều rộng làn xe chạy tối thiểu 3,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,5 m đối với đường cấp 80.

Làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 2,5 m đối với đường cấp 80.

Quy chuẩn quy định đường cao tốc được bố trí dải giữa (gồm dải phân cách giữa và dải an toàn ở hai bên của dải phân cách giữa) để phân chia hai chiều xe chạy đối với trường hợp mặt cắt ngang đường cao tốc được bố trí trên cùng một nền đường. Chiều rộng của dải an toàn tối thiểu là 0,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 0,5m đối với đường cấp 80.

Trường hợp 2 chiều xe chạy được bố trí trên 2 nền đường riêng biệt không có dải giữa thì phía bên trái theo chiều xe chạy bố trí dải an toàn và lề đất. Dải an toàn có chiều rộng tối thiểu 1m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 0,75m đối với đường cấp 80.

Chiều rộng lề đất tối thiểu 0,75m, bề mặt được trồng cỏ hoặc dùng các loại vật liệu khác để chống xói.

Các cầu trên đường cao tốc bố trí đủ các yếu tố mặt cắt ngang như của tuyến chính. Đối với các cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50 m trở lên khi không bố trí làn dừng khẩn cấp, phải bố trí đoạn chuyển tiếp từ mặt cắt đường vào phần cầu bị thu hẹp.

Với hầm trên đường cao tốc, mặt cắt ngang phải bảo đảm chiều rộng để bố trí đầy đủ các yếu tố mặt cắt ngang như của tuyến chính và phần dành cho người đi bộ (phục vụ công tác bảo trì và thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp).

Trường hợp các hầm không bố trí làn dừng xe khẩn cấp phải bố trí dải an toàn với chiều rộng theo cấp tốc độ thiết kế của đường cao tốc.

Đường cao tốc phải có biện pháp chống chói do đèn pha của xe chạy ngược chiều về ban đêm. Nhưng trên đường cao tốc có dải phân cách rộng từ 12m trở lên không cần có biện pháp chống chói; phải tính toán, bố trí tường chống ồn ở gần khu vực đông dân cư.

Về chiếu sáng, đường cao tốc bố trí chiếu sáng tại các khu vực: khu vực có trạm thu phí, trong hầm và trong phạm vi các chỗ giao nhau liên thông trên đường cao tốc.

Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 120 km/h

Đối với quản lý, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường cao tốc, quy chuẩn nêu rõ việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc thực hiện quy định tại Nghị định số 32/2014 ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 25/2023 ngày 19/5/2023 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn.

Cũng trong khai thác đường cao tốc, tốc độ khai thác cho phép trên đường bộ cao tốc được xác định trên cơ sở tốc độ thiết kế của tuyến đường, hiện trạng kỹ thuật của đường bộ cao tốc, điều kiện thời tiết, khí hậu, lưu lượng, chủng loại phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ cao tốc.

Tốc độ tối đa cho phép trên đường bộ cao tốc không vượt quá 120 km/h. Tốc độ tối đa cho phép và tốc độ thiết kế không được chênh nhau quá 20 km/h; tốc độ tối đa cho phép của 2 đoạn tuyến liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h.

Thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024.

Các dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư.

Với các tuyến đường cao tốc có tốc độ thiết kế từ 80 km/h trở xuống đang khai thác trước ngày thông tư này có hiệu lực, khi đầu tư nâng cấp, mở rộng thì cho phép áp dụng các yếu tố kỹ thuật cho dự án đã được phê duyệt trước ngày thông tư này có hiệu lực.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo gần 9.000 tỷ đồng sẵn sàng thông xe Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo gần 9.000 tỷ đồng sẵn sàng thông xe

VTV.vn - Đến nay, toàn bộ tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã cơ bản được hoàn thành và chuẩn bị thông xe vào ngày 30/4 tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước