Vào thời điểm cuối năm, phục vụ nhu cầu duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh nhiều doanh nghiệp "khát" lao động vẫn không ngừng cố gắng tìm kiếm nhân sự. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng cao trong khi nguồn cung lại ít nên các doanh nghiệp phải đôn đáo kiếm tìm lao động. Không chỉ cuối năm mà chuyện "khát" lao động cũng diễn ra vào các mùa tuyển dụng trong năm. Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, lượng lao động dư thừa còn khá nhiều.
Vì thế những năm gần đây, việc chuyển nhà máy và cơ sở sản xuất về những vùng khó khăn đang là một hướng đi có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ví dụ, tại Hòa Bình, 4 năm qua đã có 4 công ty với gần 5.000 lao động chuyển về huyện Lạc Sơn tận dụng được nguồn lao động tại chỗ.
Dù không phải là mùa tuyển dụng nhưng nhà máy của Công ty may Hồ Gươm vẫn tuyển được đủ lao động, trong đó có nhiều lao động trẻ, có những người sống không xa nhà máy.
Việc đầu tư xây dựng nhà máy ở những huyện nghèo của các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kan, Thanh Hóa, Hòa Bình… nằm trong chiến lược phát triển của công ty. Dù ban đầu, cũng có một số vấn đề như người lao động chưa có tay nghề, năng suất thấp song trải qua thời gian được doanh nghiệp đào tạo, những vấn đề này đã được cải thiện dần.
Một doanh nghiệp may khác cũng đưa 5 phân xưởng về các tỉnh hoặc các khu vực lân cận của các thành phố lớn để tìm nhân công ngay tại chỗ. Chi phí nhân công thấp hơn nên nhà máy có lợi thế cạnh tranh về giá thu hút khách hàng, tạo thêm đơn hàng. Thu nhập cho người lao động từ đó cũng tăng thêm.
Sau 5 năm làm việc ở miền Nam, chị Nguyệt trở về quê, xin vào nhà máy gần nhà. Thu nhập thấp hơn, nhưng chị vẫn để dành ra được một khoản tiết kiệm do không mất chi phí thuê nhà. Con cái cũng được gần bố mẹ.
Giờ đây, nhiều lao động trẻ tại Lạng Sơn đã dần quen với nhịp sống công nghiệp. Sáng đi làm, chiều tan ca trở về đón con và quây quần bên gia đình, không còn cảnh xa nhà kiếm sống chỉ trở về vào những dịp lễ Tết.
Sự có mặt của nhà máy tại các vùng này không chỉ giải quyết việc làm cho người dân mà còn giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh khi có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Nhất cử lưỡng tiện - doanh nghiệp có nhân công, địa phương phát triển được kinh tế xã hội, đời sống người dân được nâng lên.
Nhà máy - Cơ hội phát triển cho vùng khó khăn
Nhiều người dân trước khó tìm được việc ngoài làm nông, nay trở thành công nhân, có lương hàng tháng. Nhà máy đã tạo ra việc làm tại chỗ cho 700 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng. Không chỉ tuyển dụng lao động mà sự hiện diện của nhà máy còn thúc đẩy các dịch vụ phát triển, tạo thêm việc làm cho nhiều người.
3 năm trước gia đình anh Sậy trong danh sách hộ nghèo được xã hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mở cửa hàng tạp hóa. Đến nay, cửa hàng của gia đình anh đã mở rộng quy mô như một siêu thị mini. Khách hàng chủ yếu là công nhân nhà máy mua sắm sau giờ tan ca.
Lạc Sơn từ một huyện khó khăn của tỉnh Hòa Bình, sau 4 năm với sự xuất hiện của các nhà máy, cơ cấu kinh tế của huyện đã thay đổi và trở thành một huyện kinh tế trung bình, phấn đấu từ năm 2025 - 2030 ra khỏi danh sách huyện khó khăn của Hòa Bình.
Sự dịch chuyển của các nhà máy từ vùng phát triển về vùng khó khăn không chỉ mang đến thay đổi tích cực cho một cộng đồng nhỏ mà còn góp phần tạo nên sự chuyển mình bền vững cho cả vùng.
Kết quả đã đạt được thời gian qua là minh chứng rõ ràng rằng khi doanh nghiệp biết tận dụng thế mạnh địa phương và đặt lợi ích cộng đồng lên trên, những kỳ tích sẽ được tạo ra từ chính những nơi khó khăn nhất.
Thúc đẩy doanh nghiệp dịch chuyển về vùng khó khăn vừa làm giảm áp lực lên các đô thị lớn, vừa phát triển được kinh tế của các vùng sâu, vùng xa. Song hiện nay, số lượng các doanh nghiệp đầu tư nhà máy ở vùng khó khăn vẫn còn khá ít. Thời gian tới, cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển dịch về các vùng này.
Doanh nghiệp mang lại cách nghĩ, cách làm mới và tạo ra một tầng lớp trung lưu giúp vùng nghèo phát triển. Tuy nhiên, để doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy tại vùng nghèo thì cần làm tốt công tác quy hoạch, thúc đẩy phát triển hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề để doanh nghiệp giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là cách giúp cho người dân tại các vùng nông thôn ly nông nhưng không ly hương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!