Ô nhiễm không khí ở đô thị lên mức báo động: Cần giải pháp tức thời

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 18/01/2025 10:09 GMT+7

VTV.vn - Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... liên tục chạm ngưỡng xấu đến rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Ngay trong sáng ngày 17/1, chất lượng không khí đo được ở Hà Nội và nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ đã chạm ngưỡng xấu đến rất xấu, gây hại cho sức khỏe của người dân. Ghi nhận tại trạm Nguyễn Văn Cừ (thành phố Hà Nội) lúc 9 giờ sáng, chỉ số chất lượng không khí ghi nhận ở mức 203 (màu tím), đây là mức ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong ngày. Đến 22 giờ cùng ngày, chỉ số này giảm xuống còn 158 (màu đỏ), nhưng vẫn thuộc nhóm xấu.

Mức độ ô nhiễm thường dao động theo chu kỳ trong ngày và thường tăng trở lại vào buổi sáng sớm. Suốt một tháng qua, tình trạng này gần như diễn ra liên tục, các đợt ô nhiễm cứ lặp đi lặp lại ở mức đáng báo động. Người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều cảm nhận rất rõ điều này. Nhiều người mắc viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi cùng các bệnh về đường hô hấp.

Ô nhiễm không khí ở đô thị lên mức báo động: Cần giải pháp tức thời - Ảnh 1.

Dù trời nắng đẹp, chỉ số chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức không tốt

"Hiện tượng ô nhiễm tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thường rõ rệt vào dịp cuối năm. Cụ thể, từ tháng 10 năm nay cho đến khoảng tháng 2 năm sau, chất lượng không khí sẽ chạm ngưỡng ô nhiễm cao nhất. Đây là một quá trình mang tính chu kỳ, chịu tác động từ hai yếu tố: nguồn phát thải và điều kiện thời tiết. Vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao dẫn đến nhiều phương tiện giao thông mới được đăng ký và sử dụng. Cùng lúc đó, hoạt động sản xuất cũng được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Đồng thời những yếu tố thời tiết bất lợi như các đợt không khí lạnh tràn xuống từ phương Bắc thường mang theo lượng ô nhiễm từ khu vực khác, thậm chí từ các nước lân cận, ảnh hưởng đến chất lượng không khí của các thành phố", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Lê, Khoa Môi Trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Ô nhiễm không khí ở đô thị lên mức báo động: Cần giải pháp tức thời - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Lê, Khoa Môi Trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết nguyên nhân gây ô nhiễm tại các đô thị lớn

Trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể được cải thiện tạm thời, song nhìn chung vẫn biến động theo chu kỳ từ tháng 10 đến tháng 2. Để thấy chất lượng không khí tốt hơn, có thể phải chờ đến sau tháng 2, đầu tháng 3 – thời điểm qua Tết Nguyên đán.

PGS.TS. Hoàng Anh Lê cho biết, trước tình trạng trên, các cơ quan quản lý chất lượng không khí (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội...) đã phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt là lĩnh vực giao thông. Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho xe cơ giới. Hà Nội cũng bắt đầu triển khai kế hoạch "Net Zero" (phát thải ròng bằng 0) và vùng phát thải thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý đây là "vùng phát thải thấp" không phải "vùng ô nhiễm thấp". Về nguyên tắc, kế hoạch này dự kiến áp dụng từ 1/1/2025, tuy nhiên hiện cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết chưa thật sự sẵn sàng. Do đó, thành phố đang tạm dừng để xây dựng lộ trình phù hợp hơn, đáp ứng tốt yêu cầu thực tế của đô thị.

Trên thế giới, nhiều nước như Mỹ, Ý hay các nước châu Âu không chỉ quan tâm đến PM2.5 mà còn theo dõi bụi siêu mịn, như PM1, PM0.1. Ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á, bụi mịn PM2.5 được đặc biệt quan tâm do tác động lớn đến sức khỏe và môi trường.

"Các nghiên cứu bước đầu đã xác định bốn nguồn phát thải chính của bụi mịn tại các đô thị Việt Nam: Phương tiện giao thông cơ giới; Hoạt động công nghiệp, bao gồm nguồn tại chỗ, từ các tỉnh lân cận, và cả xuyên biên giới; Đốt sinh khối từ cháy rừng (tự nhiên hoặc nhân tạo), đốt rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp, và rác thải sinh hoạt; Hoạt động dân sinh cũng là yếu tố đáng kể gây ô nhiễm bụi mịn", PGS.TS. Hoàng Anh Lê cho biết thêm.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam không chỉ diễn ra trong vài tháng gần đây mà đã kéo dài suốt hơn một thập kỷ, với mức độ thay đổi theo từng thời điểm. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, vùng thủ đô Delhi và các khu vực lân cận hôm nay ghi nhận chỉ số AQI lên đến 380, trong khi vào cuối năm ngoái, chỉ số này từng chạm ngưỡng gần 500 – mức ô nhiễm kỷ lục.

Ô nhiễm không khí ở đô thị lên mức báo động: Cần giải pháp tức thời - Ảnh 3.

Tại thủ đô New Delhi, chính quyền Ấn Độ đã thắt chặt các biện pháp giảm ô nhiễm, bao gồm cấm xe tải chạy bằng diesel, đóng cửa các cơ sở giáo dục và chuyển sang học trực tuyến

Tại nhiều nước Châu Á đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong việc phòng chống ô nhiễm không khí, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải. Việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng rất phổ biến, giúp giảm đáng kể lượng khí thải. Tuy nhiên, để học hỏi từ họ, Việt Nam cần quy hoạch và xây dựng các hệ thống giao thông thuận tiện, khuyến khích người dân sử dụng.

"Một số giải pháp khác có thể áp dụng là phát triển phương tiện chạy bằng năng lượng pin, thay thế dần các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Những bước đi này không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí mà còn thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế, hướng đến mục tiêu "Net Zero" mà Chính phủ đã ký kết", PGS.TS. Hoàng Anh Lê cho hay.

PGS.TS. Hoàng Anh Lê cho rằng người dân đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí. Trong khi các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp và các nhà quản lý xây dựng lộ trình thực hiện, người dân cần tích cực tuân thủ và áp dụng các biện pháp đã đề ra. Chẳng hạn, họ có thể chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng để giảm số lượng phương tiện cá nhân hoặc ưu tiên sử dụng xe điện. Bên cạnh đó, sự hợp tác và đóng góp ý kiến từ cộng đồng sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm hiệu quả hơn.

""Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", sự chung tay của cộng đồng là yếu tố quyết định thành công trong việc đối phó với ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí", PGS.TS. Hoàng Anh Lê nhấn mạnh.

Ô nhiễm không khí ở đô thị lên mức báo động: Cần giải pháp tức thời - Ảnh 4.

Người dân có thể chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng để giảm số lượng phương tiện cá nhân hoặc ưu tiên sử dụng xe điện

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, con số này lên tới 70.000 người. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của mọi người. Trước tình hình cấp bách này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai các đề án, dự án xử lý ô nhiễm không khí ngay trong quý I năm 2025, đồng thời huy động mọi nguồn lực để cải thiện chất lượng môi trường. Điều cấp thiết nhất hiện nay là hành động kịp thời, xác định rõ các nguồn phát thải gây ô nhiễm lớn nhất, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước