Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch

PV (t/h)-Thứ sáu, ngày 03/12/2021 06:27 GMT+7

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

VTV.vn - Khu vực ĐBSCL vẫn đang là một điểm nóng dịch COVID-19 của cả nước khi số ca mắc mới vẫn liên tục tăng cao mỗi ngày.

Trước tình hình này, các tỉnh thành trong khu vực đang khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Cần Thơ đang mở nhiều đợt kiểm tra, xử phạt các quy định về phòng chống dịch tập trung ở các điểm kinh doanh ăn uống, chợ truyền thống, dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại. Đặc biệt ngành chức năng cũng kiểm tra điều kiện an toàn trong các doanh nghiệp sản xuất. TP cũng đang kêu gọi, tuyển 500 bác sĩ và 1.000 tình nguyện viên y tế từ xa chăm sóc F0.

Diễn biến dịch bệnh tại Sóc Trăng đang phức tạp với số ca mắc cao. Chỉ trong ngày 2/12, tỉnh này ghi nhận 775 ca, nâng tổng số nhiễm lên 18.726 người. Do đó, Sóc Trăng đã nâng cấp độ dịch từ cấp 2 lên cấp độ 3 và cấm người dân ra đường vào ban đêm. Dự kiến sau ngày 15/12, người dân từ 12 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine sẽ không được tham gia các hoạt động cộng đồng, không được đến những nơi công cộng và không được ra khỏi địa bàn nơi cư trú.

Tại tỉnh Cà Mau, số ca mắc COVID-19 gia tăng, đáng quan tâm là số ca ghi nhận mới trong cộng đồng vẫn chưa ‘‘hạ nhiệt’’. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, số ca mắc ghi nhận tại tỉnh từ đầu năm đến sáng 2/12 là 9.720 ca. Dự báo số ca mắc mới còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới.

Tỉnh chuẩn bị kịch bản để chủ động ứng phó với biến thể Omicron. Giải pháp ưu tiên trong thời điểm hiện nay đó là phải kiềm chế số ca mắc COVID-19, không để xảy ra quá tải ở các bệnh viện dã chiến và cơ sở y tế, hạn chế đến mức thấp nhất số ca chuyển nặng, nguy kịch, tử vong.

Theo đó, ngành y tế cần làm thật tốt công tác sàng lọc, phân loại bệnh, chủ động thu dung điều trị tại cơ sở; phát huy tốt mô hình quản lý, cách ly, điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.

Còn An Giang đang áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng với mạng lưới 34 cơ sở có tổng số giường 4.570. Trong những ngày gần đây, số ca tử vong trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, An Giang đã triển khai các trạm y tế lưu động chăm sóc điều trị F0 tại nhà, phát triển phần mềm riêng để quản lý 3.600 trường hợp và thực hiện điều trị bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho kết quả khả quan, không có trường hợp nào sử dụng Molnupiravir tử vong…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước