Hôm nay (30/3) tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế tổ chức buổi gặp gỡ giữa 25 doanh nghiệp Dược, Mỹ phẩm và 15 Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 nhằm tìm biện pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng dược, mỹ phẩm ra nước ngoài.
Thời gian qua, công tác phối hợp, hợp tác giữa hai Bộ Y tế và Ngoại giao rất chặt chẽ, đặc biệt trong huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ phòng, chống dịch và trong hợp tác chiến dịch ngoại giao vaccine hết sức thành công.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, ngành Dược Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Những năm gần đây, các doanh nghiệp dược phẩm trong nước đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện quy trình sản xuất, mở ra một số cơ hội mới để phát triển thị trường xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược
Ngành công nghiệp dược, mỹ phẩm trong nước cũng đã có sự phát triển rõ nét cả về chất và lượng với 230 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP (trong đó khoảng 20 nhà máy đạt EU-GMP), 33 cơ sở sản xuất mỹ phẩm đạt CGMP-ASEAN. Hiện một số doanh nghiệp đã mở rộng thị trường xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm của mình đến nhiều khu vực trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông.
Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu thuốc mới chỉ đạt khoảng 216 triệu USD, xuất khẩu mỹ phẩm đạt khoảng 302 triệu USD, còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh của ngành.Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu dược phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực ASEAN có điều kiện kinh tế xã hội tương tự.
Tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu "Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD".
Vì vậy, ông Vũ Tuấn Cường kỳ vọng, thông qua buổi làm việc này sẽ giúp ngành dược tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài mạnh mẽ hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2030.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá cao buổi gặp mặt, làm việc lần đầu tiên giữa đoàn Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện với lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn về dược, mỹ phẩm Việt Nam. Bà Hằng chia sẻ, ngành dược phẩm được đánh giá là một trong những ngành có sự chống chọi tốt với khủng hoảng và có tiềm năng phát triển lớn. Dự kiến thị trường dược phẩm thế giới tiếp tục tăng trưởng trong 5-10 năm tới với tỷ lệ tăng trưởng kép 10,5%.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng
Theo tổ chức IQVIA Institute, Việt Nam được xếp vào nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, trong xu thế chuyển đổi của thế giới sang phát triển xanh, bền vững, bảo vệ môi trường, các sản phẩm dược phẩm thảo dược và thiên nhiên của Việt Nam sẽ càng có thêm nhiều dư địa để phát triển.
Xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành, trong đó Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt với phương châm lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Do đó, trước khi các Trưởng cơ quan đại diện lên đường nhận nhiệm vụ, Bộ Ngoại giao tổ chức buổi làm việc ngày hôm nay để các Đại sứ nắm bắt được thông tin về các định hướng phát triển của ngành dược, mỹ phẩm và nhu cầu của Bộ Y tế, cộng đồng doanh nghiệp dược, mỹ phẩm, các biện pháp mà Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện có thể hỗ trợ trong thời gian tới.
Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp dược, mỹ phẩm: Công ty CP Dược Savi, Công ty CP Gonsa, Công ty CP Dược phẩm Hà Tây, Công ty CP Sao Thái Dương, Công ty TNHH liên doanh Stellapharm - CN1… bày tỏ mong muốn các Trưởng cơ quan đại diện cung cấp thông tin về chính sách pháp luật về dược, mỹ phẩm của các quốc gia; các đối tác, điều kiện thị trường, tìm kiếm các doanh nghiệp… để kết nối, hợp tác.
Đại diện một số Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã trao đổi thông tin về địa bàn khu vực Đông Bắc Á như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Bangladesh…, châu Âu: Tây Ban Nha, Ba Lan; khu vực châu Mỹ, châu Phi… cũng như giải đáp các thắc mắc của Hiệp hội và doanh nghiệp dược, mỹ phẩm nêu ra. Các Trưởng cơ quan đại diện cũng mong muốn các hiệp hội, doanh nghiệp dược, mỹ phẩm "đặt hàng" cụ thể để triển khai hỗ trợ trong thời gian tới.
Kết thúc buổi làm việc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường thống nhất chỉ định đơn vị đầu mối hai bên để xây cơ chế trao đổi thường xuyên, từ đó có kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp dược, mỹ phẩm đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Thuốc của Việt Nam đã xuất khẩu sang 8/10 nước Đông Nam Á (trừ Brunei, Đông Timor), 22 thị trường châu Á khác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) , Ấn Độ, Hong Kong (Trung Quốc), Iran, Iraq, Mông Cổ, Afghanistan...; 20 nước châu Âu và châu Mỹ: Đức, Áo, Bi, Síp, Italy, Bulgaria, Moldova, Latvia, Ba Lan, Peru...; 5 nước châu Phi (Angola, Congo, Kenya, Nigeria, Burkina Faso). Trong đó 2/3 doanh nghiệp có xuất khẩu thuốc đến thị trường Đông Nam Á. Về mỹ phẩm, thị trưởng xuất khẩu chính của mỹ phẩm Việt Nam là Nhật Bản (40%) và Đông Nam Á (25%).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!