Dẹp loạn vỉa hè: Chuyện không thể ngày một, ngày hai

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 15/03/2023 21:46 GMT+7

VTV.vn - Chính quyền vận động là một chuyện, nhưng quan trọng hơn vẫn là nhận thức của từng người vì cái chung. Bài toán sinh kế cho lao động phụ thuộc vỉa hè cũng cần tính đến.

Thành phố Hà Nội đã ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng.

Sau 1 tháng, những biện pháp kiên quyết của chính quyền các quận, huyện đang cho thấy kết quả. Nhiều tuyến phố gọn gàng, ngăn nắp hơn. Ngoài việc xử lý các hình thức lấn chiếm vỉa hè, các quận huyện cũng sắp xếp lại hoạt động buôn bán nhỏ lẻ như đưa các quán trà đá vào trong ngõ.

Không dễ thay đổi thói quen kinh doanh lấn chiếm vỉa hè

Dù TP Hà Nội đang trong đợt cao điểm xử lý lấn chiếm vỉa hè nhưng chỉ trên một đoạn vỉa hè phố Chùa Láng, cứ 2m lại có một quán cóc. Xe máy ở ngoài, khách ngồi trong, không còn chỗ trống nào cho người đi bộ. Khi được hỏi về việc dời quán vào trong ngõ, người phụ nữ này cho rằng, đó không phải là điều dễ dàng.

Dẹp loạn vỉa hè: Chuyện không thể ngày một, ngày hai - Ảnh 1.

"Trà đá - vỉa hè", khái niệm đã hình thành nhiều năm nay và đang là sinh kế của không ít người dân. Vì thế, đưa hàng quán nhỏ lẻ vào trong ngõ dù được thành phố xem là giải pháp nhưng để thực hiện được vẫn gặp không ít khó khăn. Giành lại không gian đi bộ hay thay đổi thói quen kinh doanh của người dân, tất cả đều cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền địa phương.

Thành phố đã lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp để đánh giá hiệu quả ra quân ở từng khu vực. Chính quyền cơ sở cũng có các giải pháp riêng.

Chính quyền vận động là một chuyện, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là nhận thức của từng người dân vì cái chung.

Như hàng nước của ông Trung, sau nhiều năm bán hàng trên vỉa hè phố Trương Định, từ 2 hôm nay, ông đã quyết định dời vào trong ngõ.

Vỉa hè và sinh kế cho người nghèo

Những gia đình như nhà ông Trung đã có ý thức hơn trong việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng nhìn một cách toàn diện, làm thế nào để cân bằng giữa trật tự giao thông, mỹ quan đô thị với cuộc sống của những người nghèo vẫn luôn là yếu tố được lãnh đạo địa phương tính đến. Bởi vỉa hè cũng là nơi mưu sinh của rất nhiều người lao động. Thậm chí, nhiều gia đình phụ thuộc vào vỉa hè để kiếm sống.

Ngày nào, bà Lợi cũng từ phố Vân Trì vào Hoàng Hoa Thám bán rau. Mỗi ngày kiếm được 100 đến 200 nghìn đồng, lo cho cả gia đình. Thế là bà thấy vui rồi. Do vậy, không quản nắng mưa, ngày nào bà cũng bán hàng rong ở đây.

Dẹp loạn vỉa hè: Chuyện không thể ngày một, ngày hai - Ảnh 2.

Giống như bà Lợi, bà Chi mang cây cảnh từ Văn Giang, Hưng Yên vào phố bán. Bà dừng đỗ bất kỳ lúc nào có người hỏi mua.

Cả tuyến phố Hoàng Hoa Thám không mấy khi thoát khỏi cảnh ùn ứ, bởi chỉ riêng các xe cây cảnh bán rong cũng đã chật chội rồi, chưa kể nhiều người buôn bán trên vỉa hè khác. Nhiều người biết vậy nhưng đó là cách duy nhất mưu sinh của họ

Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện có lộ trình từng bước để bảo đảm thành công. Với các cửa hàng kinh doanh lớn, cương quyết yêu cầu không lấn chiếm vỉa hè; các cửa hàng tạp vụ mất mỹ quan đô thị phải sắp xếp hàng hóa gọn gàng. Với các hàng trà đá vỉa hè, đưa vào ngõ sao cho gọn gàng.

Dẹp loạn vỉa hè: Chuyện không thể ngày một, ngày hai - Ảnh 3.

Đằng sau quang gánh là nặng trĩu nỗi lo. 47 năm bán hàng rong, bà Lợi không nhớ bao nhiêu lần Hà Nội ra quân dẹp vỉa hè, bà chỉ nhớ, những lúc khó khăn quá thì nghỉ chợ mấy hôm, rồi lại đi trở lại. Giải bài toán vỉa hè không chỉ là giải bài toán trật tự đô thị mà còn là bài toán nhân văn.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải phân biệt rất rõ. Những gánh hàng rong là sinh kế của người nghèo nhưng những hàng quán lấn chiếm vỉa hè hay biến vỉa hè thành các bãi trông xe thì phải được xử lý. Các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc đã chia sẻ về việc làm thế nào để chiến dịch giành lại vỉa hè có hiệu quả bền vững.

Dẹp loạn vỉa hè: Chuyện không thể ngày một, ngày hai - Ảnh 4.

Theo đó, Hà Nội đang phải đối mặt với 2 vấn đề là đô thị phát triển có trật tự và đảm bảo sinh kế. Nhưng đảm bảo cho người nghèo không có nghĩa phát triển bừa bãi, làm sao viả hè, lòng đường không phải cho thuê hay cho kinh doanh.

Ý kiến khác là một thời gian dài chúng ta đã buông lỏng quản lý nên cần một chương trình rất tổng thể. Đó có thể là chợ rẻ tiền cho người dân kinh doanh hay xây dựng hạ tầng cho giao thông tĩnh để người dân có chỗ để xe mà không vất vả tìm chỗ đỗ xe.

Hoặc đó là giải pháp các vỉa hè nên chừa ra một khoảng cho người đi bộ và người bán hàng rong không được vi phạm, sau đó kéo rộng ra dần dần để tạo thành thói quen cho người đi bộ.

Vỉa hè là đất công và người dân có trách nhiệm quản lý sử dụng sao cho hiệu quả và không coi đó là của riêng mình. Chính quyền cũng phải coi đây là việc làm thường xuyên chứ không thể một sớm, một chiều.

Thái Lan siết chặt quy định bán hàng rong

Trên thế giới, nhiều nước cũng có cách làm riêng trong việc sử dụng và quản lý vỉa hè. Chính quyền Thủ đô Bangkok đang nỗ lực làm cho vỉa hè của thành phố trở nên thân thiện với người đi bộ hơn. Một trong những nỗ lực đó là triển khai các điểm bán hàng tập trung dành riêng cho những người bán hàng rong.

Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) đang phối hợp với các khu vực tư nhân, để cung cấp khoảng không gian cố định cho những người bán hàng ăn tại các khu vực có nhu cầu ăn uống để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ.

Dẹp loạn vỉa hè: Chuyện không thể ngày một, ngày hai - Ảnh 5.

Theo đó, những người bán hàng rong sẽ phải đăng ký với cơ quan quản lý đô thị Bangkok để có thể buôn bán một cách hợp pháp tại khu vực do chính quyền quy định. Những người được cấp phép sẽ phải trả tiền thuê mặt bằng theo ngày với giá 150 Baht/m2 (khoảng hơn 100.000 VNĐ/m2).

Giới chức Bangkok cho rằng, việc tổ chức các quầy bán hàng cố định cho những người bán hàng rong vừa giúp tránh gây cản trở vỉa hè, vừa tăng khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ của người dân.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân cho phép người bán hàng rong được sử dụng diện tích trống hoặc không gian thương mại. Ước tính, toàn thành phố Bangkok có khoảng vài trăm khu bán hàng rong ngoài trời và nằm rải rác trên 50 quận.

Một số người bán hàng rong cho rằng giá thuê mặt bằng do chính quyền quy định là cao hơn mức doanh thu khiến họ gặp khó khăn nhưng Cơ quan quản lý đô thị Bangkok cho rằng việc quy hoạch các khu bán hàng sẽ giúp đường phố thông thoáng hơn, tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi di chuyển.

Đây không phải là lần đâu tiên Việt Nam ra quân chiến dịch lập lại trật tự đô thị. Nhiều chuyên gia nói rằng, chúng ta chỉ có thể có kết quả mới với một cách làm mới. Bởi đã nhiều lần, cứ gọn gàng sạch đẹp một thời gian rồi đâu lại vào đó. Giai đoạn 3 của chiến dịch sẽ kéo dài hết tháng 10/2023. Đây là giai đoạn duy trì kết quả để vỉa hè được trả lại với đúng chức năng và mang lại vẻ đẹp xanh sạch cho đô thị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước