Chuyện chiếm dụng vỉa hè không có gì mới. Câu chuyện này chỉ thực sự nóng lại khi Hà Nội đang ra quân để dọn dẹp vỉa hè, trả cho vỉa hè đúng những công năng, công dụng vốn có và cơ bản nhất, đó là để dành cho người đi bộ. Hàng chục năm nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Chỉ còn 1 m2, nhưng vỉa hè cũng được rao để cho thuê. Chiếm dụng vỉa hè là vi phạm pháp luật tuy nhiên trên mạng xã hội lại xuất hiện các hội nhóm chia sẻ và cho thuê vỉa hè. Nhu cầu rất lớn. Xẻ thịt vỉa hè là có thật. Vỉa hè không phải của chung, mà của mình, là tâm lý của nhiều hộ kinh doanh.
Dù ngày nào cũng chiếm dụng vỉa hè, nhưng mọi thứ sẽ lại sạch bóng ngay khi lực lượng chức năng đi kiểm tra. Khi lực lượng chức năng rời, đâu lại vào đấy.
Vỉa hè bị chiếm dụng, người đi bộ phải xuống lòng đường. (Ảnh: Dân trí)
Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở nhắc nhở, thì không sao, nhưng cứ xử phạt, loạt tâm tư lại phải giãi bày.
"Gia đình em cũng đại diện cho pháp luật. Chồng em cũng được tặng bằng khen các thứ. Anh cần thiết em bê bằng khen các thứ của chồng em cho các anh xem, nên thôi cuộc sống các anh đánh trước chúng em chạy sau. Thế là thoải mái. Vì tất cả ở đây đều thế chứ có riêng gì mình em đâu", một người dân nói.
Để đối phó với cơ quan chức năng, người vi phạm phải cơ động nhất có thể nên khôn ngoan là phải chạy trước. Còn tinh vi hơn, các đối tượng sẽ biến những thứ vô dụng thành công cụ để hành nghề.
"Các đối tượng bây giờ xách theo 1 cái làn, mang 1 cái chai nước đi thì tính cơ động rất cao, khi lực lượng đến thì họ dọn dẹp xong rồi", ông Đặng Minh Chính, Phó Chủ tịch phường Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội, cho biết.
Những cuộc chiến chỉ chực chờ là bùng lên, nhưng dù không ai làm gì, nó cũng đã luôn diễn ra âm ỉ. Mới đây, một bà cụ 70 tuổi đã bị 1 tiểu thương lấn chiếm vỉa hè đánh tới tấp chỉ vì tranh chỗ bán hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!