Đề nghị cấm chia sẻ, phát tán, mua bán trái phép thông tin của người tiêu dùng

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 05/04/2023 17:57 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng

VTV.vn - Về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất quy định cấm chia sẻ thông tin của người tiêu dùng khi chưa có sự đồng ý.

Nhiều điều cấm được bổ sung trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 5/4, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) năm 2010, Điều 10 của Dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung thêm các quy định về hành vi bị cấm như ép buộc người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn thông qua đe dọa, sử dụng vũ lực; thanh toán mà không có thỏa thuận trước…

Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung quy định các hành vi bị cấm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như:

- Ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ;

- Hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng thông qua việc sắp xếp ưu tiên lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

- Ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng trên nền tảng số;

- Ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn...

Đề nghị cấm chia sẻ, phát tán, mua bán trái phép thông tin của người tiêu dùng - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

Góp ý về Điều 10 về các hành vi bị cấm của dự thảo luật, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị bổ sung thêm quy định: Cấm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ các trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao thông tin được thu thập phù hợp với quy định của luật này và pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ, hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định của luật này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: hành vi cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng. Đồng thời đề nghị rà soát thêm các pháp luật liên quan khác đang cấm các hành vi này để đảm bảo bao quát đầy đủ các hành vi này.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đồng tình với việc tiếp thu, chỉnh lý của ban soạn thảo nếu thực hiện tốt 12 điều cấm đối với tổ chức kinh doanh, 4 điều cấm tổ chức kinh doanh số nhưng đại biểu băn khoăn về tính khả thi về các quy định này.

Tổ chức có phải là người tiêu dùng?

Dự thảo BVQLNTD (sửa đổi) đã bổ sung đối tượng "tổ chức" vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3): Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

Về khái niệm này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, hiện có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật vì trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại. Bên cạnh đó, việc quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh. Hiện pháp luật một số nước vẫn điều chỉnh người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức.

Đề nghị cấm chia sẻ, phát tán, mua bán trái phép thông tin của người tiêu dùng - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa "tổ chức" vào khái niệm "người tiêu dùng". Bởi lẽ trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về BVQLNTD, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít. Người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp.

Sau khi nghiên cứu ý kiến ĐBQH và trên cơ sở ý kiến kết luận của UBTVQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với Cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng "tổ chức" vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng và thể hiện một phương án theo loại ý kiến thứ nhất như trong dự thảo Luật.

Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kom Tum) bày tỏ thống nhất việc bổ sung quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức chứ không phải chỉ là cá nhân như trước.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị sắp xếp lại khoản 1 để làm rõ chủ thể được quan tâm bảo vệ trong dự thảo Luật như sau: "Người tiêu dùng là tổ chức, cá nhân, gia đình mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt, không vì mục đích thương mại".

Qua thảo luận các đại biểu cơ bản thống nhất bổ sung đối tượng là tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết để quy định này khả thi cần tiếp tục rà soát các chế định liên quan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước