Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ vấn đề về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn Ninh Thuận cho rằng: ''Đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương là đối tượng yếu thế nên theo tôi, Ban soạn thảo cần phải quy định rõ chính sách riêng, cụ thể khi các đối tượng này bị xâm phạm quyền lợi. Khi quyền lợi bị xâm phạm thì họ đề nghị cơ quan, tổ chức cụ thể nào và cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm hỗ trợ các đối tượng này''.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Theo ông Trần Văn Tuấn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: ''Dự thảo luật xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Tôi cho rằng quy định trên là chưa rõ vì ngoài sự bất lợi cho sức khỏe, tài sản, người tiêu dùng có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác. Đề nghị nghiên cứu và cụ thể hoá bảo đảm bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu".
Có đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn về việc tổ chức xã hội nào được tham gia vào hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu cũng cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp cung cấp hàng hóa không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Hôm nay (ngày 11/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023. Thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!