Trước đại dịch COVID-19, doanh thu từ du lịch của tỉnh tăng gần 30% mỗi năm, đời sống của người dân thay đổi rõ rệt. Đây là kết quả của cả một quá trình lâu dài bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.
Cách đây 15-20 năm, sông Sào Khê, Ninh Bình bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hoạt động khai thác đá vôi. Chọn di sản hay nhà máy xi măng khi ấy là quyết định không dễ dàng.
Nhờ tầm nhìn của lãnh đạo, quyết tâm của doanh nghiệp, đầu những năm 2000, khu sinh thái bắt đầu được tôn tạo, khai quật khảo cổ bởi các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới. Năm 2014, Tràng An trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Giờ đây, du lịch Ninh Bình đã nâng tầm thương hiệu, tạo sinh kế cho hàng ngàn lao động địa phương.
Gần 4.000 lao động thuần nông vừa làm lái đò, hướng dẫn viên, kiêm luôn dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường. Vùng lõi di sản được mở rộng và bảo tồn nghiêm ngặt, di tích được tôn tạo. Nhiều năm qua, tỉnh ưu tiên ngân sách cho văn hóa, thuộc tốp đầu cả nước.
Mô hình hợp tác công tư trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch tại Ninh Bình đã nhiều năm được UNESCO và ngành văn hóa đánh giá là cân bằng, hiệu quả.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước, tập trung bảo tồn và phát huy di sản bền vững. Quan điểm đầu tư chiều sâu cho văn hoá, con người được kỳ vọng tạo đột phá hơn nữa cho mảnh đất cố đô Hoa Lư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!