Đắn đo giữa sinh thường và sinh mổ

Hạnh Giang-Thứ ba, ngày 03/10/2023 08:00 GMT+7

TTND.PGS.TS.BS.CKII Lưu Thị Hồng hỏi thăm sản phụ sau sinh. Ảnh: BVCC.

VTV.vn - Sinh thường hay sinh mổ luôn là nỗi băn khoăn của nhiều sản phụ, đặc biệt là những người mang thai lần đầu.

Chị Nguyễn Thu Hạnh (28 tuổi, Bắc Ninh) vốn là người sợ đau nên muốn lựa chọn sinh mổ chủ động để tránh phải trải qua cơn đau khi chuyển dạ. Tuy nhiên, mẹ chồng chị cho rằng sinh mổ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu nội sau này, khuyên chị cố gắng sinh thường.

Sang tuần 39, chị Hạnh vỡ ối được đưa vào BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Chị muốn xin sinh mổ chủ động nhưng mẹ chồng ở bên động viên con dâu cố gắng sinh thường. Thuận theo ý bà, chị Hạnh cố gắng chịu cơn đau đẻ và phối hợp cùng bác sĩ Sản khoa. Nhằm giúp chị giảm đau, bác sĩ chỉ định gây tê ngoài màng cứng. Với phương pháp này, sự đau đớn khi chuyển dạ được giảm thiểu, sản phụ vẫn có thể di chuyển và phối hợp rặn đẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Sau khoảng 1 tiếng chuyển dạ, chị Hạnh thuận lợi sinh bé. Trải qua quá trình sinh thường, từng khiến chị ám ảnh, chị Hạnh chia sẻ: "Cuộc sinh diễn ra thuận lợi và không quá đáng sợ như tôi tưởng. Thật may vì tôi đã chọn sinh thường".

Theo TTND.PGS.TS.BS.CKII Lưu Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, sinh thường hay sinh mổ sẽ được chỉ định theo từng trường hợp ở mỗi sản phụ khác nhau và không có phương pháp nào tốt hoàn toàn.

Các mẹ có sức khỏe ổn định, thai nhi phát triển bình thường, khuyến khích nên sinh thường. Ưu điểm của sinh thường là mẹ phục hồi sau sinh nhanh, thường sau khoảng 6 giờ là có thể ngồi dậy tự đi lại, chăm bé. Sau khoảng 6 tuần, cơ quan sinh dục của phụ nữ như tử cung, âm đạo đã co hồi lại bình thường, cơ sàn chậu cũng dần hồi phục, vết khâu tầng sinh môn đã lành hẳn. Đối với sinh thường, mẹ sẽ không phải đối mặt với các nguy cơ như: tụ dịch vết mổ, nứt vết mổ, mổ lấy thai lần hai…

Bác sĩ Hồng khuyến cáo các chỉ định mổ lấy thai nên được lựa chọn trên phương diện Y khoa thay vì từ mong muốn cá nhân. Trong trường hợp sản phụ gặp các biến chứng liên quan đến chuyển dạ như: chuyển dạ kéo dài hoặc chuyển dạ ngừng tiến triển, tim thai suy, bất xứng đầu chậu, vỡ tử cung… thì sinh mổ là chỉ định bắt buộc.

Trường hợp chị Lê Thu Vân (32 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Vì đã từng sinh thường khi bầu bé thứ nhất, chị Vân luôn nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục thực hiện phương pháp này ở lần thứ hai. Tuy nhiên, đến gần ngày dự sinh, thai nhi không có dấu hiệu quay đầu vì dây rốn quá dài. Chị được chỉ định sinh mổ, thuận lợi lấy thai ở tuần 38.

Sản khoa có diễn biến phức tạp, để lựa chọn phương pháp sinh phù hợp cần phụ thuộc vào cả quá trình theo dõi thai kỳ. Để cuộc sinh có thể diễn ra thuận lợi, bác sĩ Hồng khuyên các mẹ nên lựa chọn theo dõi thai kỳ và sinh con tại một cơ sở y tế đa khoa cố định. Bởi, các bác sĩ có thể theo dõi xuyên suốt cả quá trình và đưa ra lời khuyên về phương pháp sinh phù hợp.

*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

640X400

20h, ngày 03/10/2023, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Những điều cần biết về an toàn trong sinh thường - sinh mổ". Chương trình cung cấp kiến thức giúp các sản phụ thuận lợi trải qua quá trình "vượt cạn".

Độc giả gửi câu hỏi tại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước