Đó là theo danh mục chi tiết mạng lưới vận tải khách cố định do Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố.
Dù có những thay đổi nhưng quy định mới vẫn ưu tiên đảm bảo hướng tuyến như hiện nay, để giảm áp lực ùn tắc ở những tuyến đường nội đô, cùng với đó cũng phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân và tăng cường tính kết nối giao thông công cộng.
Những tuyến xe đến và đi tại những bến xe có thể sẽ thay đổi, khi thực hiện theo quy định mới. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát điều chỉnh ngoài việc tuân thủ theo luật, cơ quan quản lý cũng đặc biệt trú trọng đến yếu tố ổn định.
Với những tuyến xe khách có điểm đến và đi từ các bến xe ở Hà Nội, lâu nay vẫn được tổ chức theo hướng tuyến. Cụ thể, những tuyến xe từ phía Nam sẽ vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, các tuyến phía Bắc vào bến xe Mỹ Đình, các tuyến phía Tây vào bến xe Yên Nghĩa và các tuyến phía Đông vào bến xe Gia Lâm.
Việc phân luồng như vậy giúp tránh được tình trạng xe khách chạy xuyên nội đô, giảm áp lực với hạ tầng giao thông đô thị và phát sinh những phức tạp.
Thực tế, chỉ riêng việc xử lý tình trạng đón trả khách của loại hình xe hợp động hoạt động như xe khách liên tỉnh đã là một thách thức với các lực lượng chức năng. Bởi không phải ở đâu và lúc nào cũng có thể bố trí đủ lực lượng để xử lý vi phạm.
Do vậy, nếu không thực hiện quy định hướng tuyến với vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định, tình trạng xe dù bến cóc sẽ còn nhức nhối hơn và giao thông đô thị sẽ thêm phần hỗn loạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!