Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

P.A-Thứ sáu, ngày 10/01/2025 10:28 GMT+7

VTV.vn - Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa trình Bộ GTVT Đề án sắp xếp lại các tổ chức tham mưu, đơn vị trực thuộc, phân tách rõ chức năng quản lý nhà nước và và cung cấp dịch vụ công.

Đề án được xây dựng nhằm tinh gọn bộ máy, phân tách rõ ràng chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, hướng tới sự minh bạch và khách quan.

Tại tờ trình, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đưa ra 4 phương án sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức tham mưu, giúp việc và các đơn vị trực thuộc.

Cục đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lựa chọn phương án 4 nhằm đảm bảo chuyên sâu theo từng lĩnh vực, tránh làm xáo trộn hoạt động đăng kiểm và lộ trình có thể dễ dàng triển khai được ngay.

Với phương án này, sau khi Đề án tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công của Cục Đăng kiểm được phê duyệt, được cấp có thẩm quyền chính thức giao biên chế công chức, được phê duyệt bổ sung danh mục quy hoạch đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành GTVT, khi đó Cục ĐKVN sẽ thực hiện bãi bỏ cơ chế quản lý tài chính đặc thù.

Đồng thời, triển khai mô hình tổ chức hoạt động và cơ chế tài chính mới. Về mô hình tổ chức, Cục Đăng kiểm VN sẽ tổ chức lại từ 50 đầu mối xuống còn 17 đầu mối (giảm 33 đầu mối). Trong đó, khối tham mưu, giúp việc còn 10 đầu mối (giảm 2 đầu mối); khối các chi cục đăng kiểm còn 3 đầu mối (giảm 17 đầu mối) và khối trung tâm cung cấp dịch vụ công còn 4 đầu mối (giảm 13 đầu mối).

Đối với khối tham mưu, giúp việc sẽ bao gồm: Văn phòng; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Pháp chế - Thanh tra; Phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Tàu biển và công trình biển; Phòng Phương tiện thủy nội địa; Phòng Phương tiện giao thông đường bộ; Phòng Phương tiện giao thông đường sắt và Phòng Công nghệ thông tin.

Khối các chi cục đăng kiểm gồm: Chi cục Đăng kiểm tại TP Hải Phòng; Chi cục Đăng kiểm tại TP Đà Nẵng và Chi cục Đăng kiểm tại TP. HCM.

Khối các trung tâm cung cấp dịch vụ công được tổ chức lại hoàn toàn trên cơ sở kế thừa 4 trung tâm có sẵn thuộc Cục Đăng kiểm VN, bao gồm: Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt; Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy và công trình biển; Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới và Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Về cơ chế tài chính, khối cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước (khối tham mưu giúp việc và khối các chi cục đăng kiểm) sẽ áp dụng cơ chế quản lý tài chính theo quy định của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

Khối các trung tâm cung cấp dịch vụ công sẽ áp dụng cơ chế quản lý tài chính theo quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với nguồn vốn quỹ còn dư tại thời điểm bãi bỏ cơ chế tài chính đặc thù sẽ được giao cho Cục Đăng kiểm VN và các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục tiếp tục quản lý, sử dụng theo các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phần quỹ còn lại sau khi đã phân bổ cho các dự án sẽ được nộp vào Ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước