Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 6h ngày 04/11: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
- Tính từ 18h ngày 3/11 đến 6h ngày 4/11: 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Đến hôm nay (4/11), Việt Nam đã trải qua 63 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng. Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 78 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng. Tại TP.HCM, đến nay, đã 95 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Thông tin ca mắc mới:
Bệnh nhân 1203 (BN1203): Nam, 60 tuổi, là chuyên gia người Israel.
Ngày 31/10/2020, bệnh nhân từ Qatar nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay QR976, được chuyển đến cách ly tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngay sau khi nhập cảnh.
Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 02/11/2020, kết quả xét nghiệm ngày 03/11/2020 tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại, các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Số người cách ly:
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.260, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 198
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.837
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.225.
Tình hình điều trị:
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.069 bệnh nhân/1.202 bệnh nhân COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tính đến thời điểm này, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 17 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 6 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.
Số ca tử vong ở Việt Nam đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).
Thế giới ghi nhận hơn 47,7 triệu ca và hơn 1,2 triệu trường hợp tử vong
Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 47,7 triệu ca và hơn 1,2 triệu trường hợp tử vong do COVID-19. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch, số ca nhiễm mới mỗi ngày gia tăng ở hầu hết bang và số người chết trung bình mỗi ngày trên toàn nước Mỹ đã tăng 10% trong hai tuần qua. Quốc gia đứng thứ 2 về số trường hợp mắc là Ấn Độ, sau đó là Brazil.
Châu Âu đang là tâm dịch của COVID-19 với tốc độ lây lan nhanh khó kiểm soát, đặc biệt khi khu vực này bước vào mùa đông lạnh lẽo. Ngày 31/10, Anh và Áo đã công bố lệnh tái phong tỏa toàn quốc bao gồm lệnh giới nghiêm vào ban đêm và yêu cầu đóng cửa toàn bộ các quán cà phê, nhà hàng, quán bar, trong bối cảnh các ca lây nhiễm "bùng nổ". Hy Lạp cũng tăng cường các biện pháp chống dịch sau khi Pháp, Đức, Bỉ và Ireland đóng cửa nhiều lĩnh vực kinh doanh để ngăn chặn COVID-19 phát tán mạnh.
Khu vực châu Á đứng thứ 2, sau Ấn Độ, về số trường hợp mắc là Iran, tiếp theo là Iraq. Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực, tiếp theo là Philippines và Singapore. Tính đến hết ngày 3/11, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 959.255 ca mắc COVID-19 trong đó có 23.159 ca tử vong và 824.611 bệnh nhân đã bình phục.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, vắc xin trong nước để tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất, có thể xuất khẩu. Bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên khỉ từ ngày 27/10 (Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1).
Tiếp tục rà soát tất cả các kịch bản phòng chống dịch, chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa đông năm nay; thực hiện đúng việc giám sát cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài, người hồi hương, nhập cảnh.
Tiếp tục triển khai hướng dẫn tạm thời việc thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh (công văn số 5834/BYT-KH-TC ngày 27/10/2020).
Đã tổng hợp hoàn chỉnh dự thảo Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.
Chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với Bộ, ngành liên quan giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam và tăng cường giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở, y tế cơ sở trong công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời và theo dõi sau cách ly.
Tiếp tục phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!