Sau văn bản kiến nghị từ Hiệp Hội Chăn nuôi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định mới ban hành danh mục lĩnh vực và cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật. Theo quyết định này, các cơ sở chăn nuôi hiện chưa nằm trong danh sách bắt buộc kiểm kê khí nhà kính.
Bắt đầu từ tháng 10 năm nay, hơn 2.000 cơ sở thuộc các lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, xây dựng và tài nguyên môi trường sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024. Việc khuyến khích chứ không bắt buộc các cơ sở chăn nuôi vào danh sách kiểm kê khí nhà kính được xem là phù hợp với mức độ phát triển của ngành chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết Hội Chăn nuôi Việt Nam đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đưa lĩnh vực chăn nuôi vào danh mục kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay, ít nhất là từ nay đến năm 2027. Ông Dương nhấn mạnh rằng việc chưa đưa vào danh mục kiểm kê không có nghĩa là chăn nuôi đứng ngoài cuộc trong việc giảm phát thải. Sau cam kết tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với Đề án "Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi" là một trong năm đề án trọng tâm. Đề án này nhằm hướng ngành chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm ô nhiễm và chuyển đổi năng lượng xanh.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết rằng việc áp dụng kiểm kê khí nhà kính sẽ được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác trong nông nghiệp. Hiện tại, một số trang trại chăn nuôi bò sữa và trại giống lợn của các công ty lớn đã thực hiện tốt việc kiểm kê và áp dụng các quy trình giảm phát thải. Tuy nhiên, để áp dụng trên diện rộng, nhiều doanh nghiệp cho rằng cột mốc năm 2030 sẽ là thời điểm phù hợp để bắt buộc kiểm kê khí nhà kính.
Ông Nguyễn Văn Minh từ Công ty Nông nghiệp BAF Việt Nam cho rằng cần có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị từng bước, đảm bảo những yếu tố cần thiết. Giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn không chỉ là con đường của Việt Nam mà là mục tiêu toàn cầu. Chăn nuôi và nông nghiệp sẽ không thể đảo ngược xu thế này, nhưng cần có một lộ trình thích hợp để các cơ sở chăn nuôi có thể phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất rằng các cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 1.000 con bò trở lên hoặc 3.000 con lợn trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, đồng nghĩa với việc có thêm gần 350 cơ sở chăn nuôi sẽ phải tuân theo quy định này.
Việc đưa các lĩnh vực khác vào danh mục kiểm kê trước khi chăn nuôi được đưa vào danh sách được đánh giá là quyết định đúng thời điểm. Xét về lĩnh vực, các ngành như xây dựng, giao thông vận tải và công nghiệp có quy mô lớn và điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực tốt hơn cho việc kiểm kê khí nhà kính, giúp các doanh nghiệp chăn nuôi có thời gian hồi phục sau thời gian dài thua lỗ.
Hơn 2.000 cơ sở sản xuất phải kiểm kê khí nhà kính
Các cơ sở sản xuất phải kiểm kê khí nhà kính thuộc các lĩnh vực: năng lượng, xây dựng, các quá trình công nghiệp, chất thải, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, giao thông vận tải. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở vừa được bổ sung thêm vào danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính Việc kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính là lộ trình đã được xác định trong Chiến lượng chuyển đổi xanh giai đoạn 2021-2023 tầm nhìn 2050 của Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!