Hà Nội cứ mưa là ngập và tắc đường. Nhiều năm qua, đơn vị cấp thoát nước của Thủ đô đã chủ động có các biện pháp khắc phục nhưng, trong đó, hệ thống thoát nước cũ đã quá tải, các dự án thoát nước mới chưa đưa vào khai thác được do chậm tiến độ. Người dân chưa biết đến bao giờ mới thoát được cảnh tắc đường hàng tiếng đồng hồ mỗi khi mưa ngập.
Trong vòng 2 năm qua, ứng dụng thông báo các điểm mưa úng ngập tại Hà Nội chỉ có tổng cộng khoảng 16.000 lượt truy cập. Mỗi đợt mưa, đơn vị thoát nước vẫn phải thông báo thêm cho kênh VOV giao thông để cảnh báo điểm ngập úng cho người đi đường. Về mặt kỹ thuật, vẫn tập trung vận hành bơm, hạ mực nước trên hệ thống sông, hồ điều hòa. Do năng lực tiêu thoát nước còn rất hạn chế, các điểm úng ngập đều nằm trên những phố lớn nên cứ mưa là ngập và tắc đường nhiều giờ.
Hình ảnh cứ mưa là ngập đã quen thuộc với nhiều người
Trong 5 năm qua, Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho các công trình tiêu thoát nước. Riêng 3 dự án lớn nhất có tổng đầu tư hơn 19.000 tỉ đồng. Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa công suất 120m3/s có chức năng giảm ngập úng cho các quận: Hà Đông, Thanh Xuân. Cụm công trình đầu mối Liên Mạc, công suất 170 m3/s, gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở, giảm ngập úng cho khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận. Theo kế hoạch, các dự án này chậm nhất phải được đưa vào khai thác trong năm nay nhưng tất cả đều chậm tiến độ, chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành.
Hệ thống thoát nước của Hà Nội được cho là không tổng thể, chắp vá, luôn lạc hậu so với thực tế phát triển đô thị. Công tác duy tu, nạo vét cống, khơi dòng chảy vẫn còn hạn chế. Tất cả đều góp phần gây ngập úng khi mưa lớn. Khi các dự án tiêu thoát nước được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng chậm tiến độ kéo dài, chưa biết bao giờ tình trạng "cứ mưa là ngập, cứ mưa là tắc đường" mới giảm thiểu và chấm dứt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!