Triển khai bệnh án điện tử: Còn chậm và nhiều thách thức

Đỗ Hòa-Thứ hai, ngày 08/07/2024 14:14 GMT+7

VTV.vn- Mới chỉ có 90/1400 bệnh viện công bố triển khai bệnh án điện tử. Các bệnh viện gặp khó khi kinh phí vận hành, đồng bộ trong trang, thiết bị vẫn còn chậm và nhiều vướng mắc.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với bệnh án điện tử

Dù đều đặn mỗi tháng một lần, ông Nguyễn Nhật Linh (ở Phú Thọ) phải đến bệnh viện để thăm khám và lấy thuốc cho 2 - 3 bệnh mãn tính mình đang điều trị nhưng giấy tờ cần mang theo cũng chỉ là căn cước công dân thay vì các tập hồ sơ bệnh án dày cộp qua mỗi tháng.

"Hành trang đến đây thì chỉ có mỗi giấy tờ tùy thân còn không có gì nữa cả. Còn từ tư vấn, đơn thuốc trong hồ sơ bệnh án điện tử", ông Linh cho hay.

Đã khám gì, vào thời gian nào, kết quả các xét nghiệm, đơn thuốc ra sao… tất cả đều được lưu chi tiết trong hồ sơ bệnh án điện tử của mỗi bệnh nhân. Thuận tiện, không xếp hàng chờ đợi lấy số, giảm gánh nặng giấy tờ nhất là với người bệnh cao tuổi, bệnh án điện tử cũng mở đường nhiều thuận lợi trong việc thăm khám của các y, bác sĩ.

Tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, kiểm tra trực tiếp các thông tin bệnh của người bệnh với máy tính bảng ngay khi đi buồng là lợi ích thấy được với các bác sĩ trong gần 1 năm bệnh viện triển khai bệnh án điện tử.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Tuấn, Trưởng Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc cho biết: "X-quang, cắt lớp, vi tính, cộng hưởng từ… bệnh nhân chụp xong là xem được ngay. Xét nghiệm máu các khoa xét nghiệm trả là chúng tôi xem được ngay, không như ngày xưa là phải cử người đi lấy".

Triển khai bệnh án điện tử: Còn chậm và nhiều thách thức - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Kiểm tra các xét nghiệm của bệnh nhân nhanh hơn. Mọi thông tin mình đều xử trí trên bệnh án điện tử".

Cắt giảm thời gian khi đợi chuyển kết quả giữa các khoa phòng, tăng hiệu suất khám chữa cho người bệnh, công việc giấy tờ của y, bác sĩ cũng được giảm tải lớn khi bệnh án giấy chỉ còn rất ít các mặt giấy buộc phải lưu do cần chữ ký "tươi" của người bệnh.

Bệnh án điện tử được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi cho nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tăng mức độ hài lòng của bệnh nhân cũng như giảm tải được các công việc không cần thiết của y, bác sĩ, tập trung thời gian cho hoạt động chuyên môn. Và thực tế, tại các bệnh viện đã triển khai, mô hình bệnh án điện tử đã thể hiện được lợi ích kép với cả người bệnh cũng như đội ngũ y, bác sĩ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, số lượng bệnh viện triển khai bệnh án điện tử trên cả nước còn rất khiêm tốn, tính đến sáng ngày 08/07, chỉ 90/1400 bệnh viện công bố bệnh án điện tử trên cổng thông tin của Bộ Y tế.

Mặc dù, theo Thông tư 46 của Bộ Y tế thì đến hết năm 2023, tất cả các bệnh viện hạng 1 trên cả nước đã phải chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Đặc biệt, trong số 90 bệnh viện này, số lượng bệnh viện hạng 1 chiếm tỷ lệ không cao, số lượng bệnh viện tuyến Trung ương rất ít và chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào.

Các vấn đề khó khăn trong triển khai bệnh án điện tử đang được ngành y tế bóc tách và tháo gỡ. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của bệnh án điện tử trong hoạt động khám chữa bệnh thì những khó khăn ngay cả khi cơ sở y tế đã đưa bệnh án điện tử vào hoạt động cũng cần tìm giải pháp.

Áp lực vận hành bệnh án điện tử

Hỏng mạng đồng nghĩa, xe đi buồng, máy tính đi buồng có cài đặt bệnh án điện tử đều đứng im và mất tác dụng.

"Vướng nhất là hệ thống rất lớn, mình chỉ có thể xem kết quả với chỉ định trên laptop, còn trên điện thoại vs iPad chưa thể xem được. Có một số kết quả chỉ có thể chụp và tải bằng máy tính chứ không tải điện thoại được", bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết.

Triển khai bệnh án điện tử: Còn chậm và nhiều thách thức - Ảnh 2.
Triển khai bệnh án điện tử: Còn chậm và nhiều thách thức - Ảnh 3.

Hỏng mạng đồng nghĩa, xe đi buồng, máy tính đi buồng có cài đặt bệnh án điện tử đều đứng im và mất tác dụng.

Lỗi xảy ra từ cơ sở hạ tầng, lỗi cũng xảy ra từ người sử dụng… Việc đảm bảo vận hành trơn tru, hiệu quả cho bệnh án điện tử còn đòi hỏi thiết bị đúng, đủ và đồng bộ nhưng thiếu thiết bị bao gồm cả máy tính kết nối bệnh án điện tử hay các thiết bị khám chữa không kết nối, không tương thích với phần mềm bệnh án điện tử buộc phải cập nhật dữ liệu thủ công là thực tế đang diễn ra tại nhiều bệnh viện triển khai bệnh án điện tử.

Theo anh Đỗ Trọng Quỳnh, Phòng Công nghệ Thông tin, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc: "Để đáp ứng được cần rất nhiều máy tính, khoảng 200 máy. Giờ anh em cũng rất khó khăn, phải chia giờ ra để có thể thực hiện".

Máy móc không có cổng kết nối, không tương thích, nhiều hệ thống đấu nối vào, thường xuyên phải nâng cấp dung lượng lên. Trung bình mỗi năm, năm nào cũng phải nâng cấp cơ sở hạ tầng lên. Triển khai bệnh án điện tử là xu hướng tất yếu không thể không làm được…

Để giải quyết bài toán về áp lực trong vận hành và nâng cao hiệu quả của bệnh án điện tử, chi phí đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, thiết bị vẫn là một trong những yếu tố quan trọng. Thế nhưng, hiện nay, ngoài nỗ lực đầu tư chi phí ban đầu để đưa được bệnh án điện tử vào thực hiện, các bệnh viện lại gặp vướng trong hoạt động thanh toán chi phí khám chữa theo hình thức hồ sơ bệnh án điện tử.

Những vướng mắc thanh toán

Bệnh viện triển khai bệnh án điện tử. Toàn bộ kết quả chẩn đoán hình ảnh đều được kết nối, lưu trữ trên hệ thống phần mềm chẩn đoán hình ảnh không in phim. Bác sĩ xem bệnh, bệnh nhân theo dõi bệnh đều không cần phim. Nhưng phim thì vẫn phải in không thể thiếu một tấm…

Bác sĩ Bùi Văn Hậu, Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Lượng phim in ra rất nhiều. Mặc dù là bệnh án điện tử nhưng BHXH quy định phải có phim thì mới được thanh toán các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh".

Theo số liệu của Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, trung bình mỗi ngày có từ 800 - 1000 lượt bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Việc phải in phim để thực hiện thanh toán BHYT đã tạo ra chi phí kép cho một dịch vụ. Lãng phí nguồn lực, các bệnh viện cũng đối mặt với bài toán về kinh phí vận hành bệnh án điện tử khi kết cấu giá dịch vụ y tế chưa có định mức chi phí công nghệ thông tin.

Do tốc độ chuyển đổi từ bệnh án, hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử quá chậm, Bộ Y tế đề xuất lùi thời hạn sang hết năm 2025, các bệnh viện hạng 1 trở lên phải triển khai bệnh án điện tử. Mục tiêu từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải đưa hồ sơ bệnh án điện tử vào thực hiện.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước