Hàng nghìn ha có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã bị thiếu hụt nguồn nước sản xuất nông nghiệp. Tình trạng này nguy cơ sẽ còn tiếp diễn. Tổng lượng mưa trong tháng 4 và mực nước hồ chứa thủy lợi tại nhiều vùng miền phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm. Tình trạng này có thể kéo dài sang tháng 5 và nguy cơ cao ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương.
Không ít địa phương ở phía Bắc đã không có mưa kết hợp nhiệt độ cao có lúc lên tới trên 40 độ C khiến hạn hán đang đe doạ nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên trải qua thời tiết nắng nóng kéo dài từ đầu mùa khô đến nay khiến tình trạng thiếu nước tưới. Như ở Đắk Nông, dù trên địa bàn có trên 250 hồ, đập với tổng dung tích thiết kế khoảng 135 triệu mét khối nhưng địa phương này vẫn đang phải đối diện với nguy cơ hạn hán cao.
Đắk Nông đang phải đối diện với nguy cơ hạn hán cao
Hồ thủy lợi Đô Ri 2 ở xã Đắk R'la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đang là nguồn cấp nước chính cho khoảng 1.000 hộ dân, nhưng hiện lượng nước trong hồ còn lại rất ít. Hơn 2ha cà phê của ông Hảo dù nằm ngay bên cạnh hồ thủy lợi, vẫn trong tình trạng thiếu nước tưới.
Mực nước tại nhiều hồ đập hiện đang xuống thấp. Dự kiến đến cuối vụ đông xuân, toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng trên 6.000 ha cây trồng các loại có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, tập trung chủ yếu tại các huyện Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô.
Đồng thời, các ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con nông dân không nên mở rộng diện tích sản xuất ngoài quy hoạch, hướng dẫn người dân sử dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, tránh lãng phí, đảm bảo nguồn nước tưới.
El Nino còn kéo dài sang cả năm 2024
Thời gian tới dự báo Enso sẽ dần chuyển sang pha nóng El Nino. Các chuyên gia khí tượng nhận định mùa hè năm nay sẽ nắng nóng gay gắt hơn so với năm ngoái. Thực tế, ngay những đợt nắng nóng đầu mùa trong tháng 3, tháng 4 vừa rồi đã xuất hiện những con số nhiệt độ cao kỷ lục.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, hiện nay, mặc dù chưa xảy ra hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, nhưng tình trạng này đã bắt đầu xuất hiện ở một số địa phương.
Tại tỉnh Bắc Kạn, diện tích hạn tính đến tuần 3 tháng 4 là 20,25ha, tập trung tại các xã Thượng Giáo - huyện Ba Bể, xã Yên Phong, xã Bằng Lũng - huyện Chợ Đồn.
Tại tỉnh Cao Bằng, diện tích bị hạn không cấy lúa được là 22ha thuộc xã Lê Lợi, huyện Thạch An. Diện tích đã cấy có nguy cơ bị hạn là 80ha thuộc thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An. Diện tích màu không trồng được là 128ha thuộc các xã Chí Viễn, xã Ngọc Côn, xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh.
Tình trạng hạn hán, thiếu nước trong thời gian tới có thể mở rộng hơn khi dự báo thời tiết không mấy khả quan. Theo nhận định từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nắng nóng năm nay đến sớm, gay gắt hơn so với năm ngoái. Phía Tây Bắc Bộ nắng nóng kéo dài đến tháng 9; cao điểm là tháng 5; phía Đông Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng cũng đến tháng 9; cao điểm là hai tháng 6 và tháng 7.
Trong 3 tháng tới, dòng chảy đến các hồ chứa trên sông Đà, sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt từ 10-30%, trên sông Thao và sông Lô thiếu hụt từ 20-50% so với trung bình nhiều năm.
Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên cũng phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 20-60%.
Dựa vào những dự báo của cơ quan khí tượng, khả năng xảy ra khô hạn cục bộ, ngoài vùng cấp nước của các công trình thuỷ lợi. Đặc biệt là tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và phía Bắc Tây Nguyên.
Với nhận định El Nino còn kéo dài sang cả năm 2024 thì xu thế thiếu hụt nguồn nước có thể xảy ra trong cuối năm nay, đầu năm sau ở Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL.
Với nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trong những tháng tới ở các khu vực đã nêu trên. Ngay từ bây giờ, bà con cần chủ động tích nước, sử dụng nước tiết kiệm. Tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng để có kế hoạch sản xuất hợp lý.
Các địa phương có thể cập nhật thông tin về nguồn nước thường xuyên được gửi từ Cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT để làm cơ sở tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn, giảm thiểu thiệt hại sớm nhất. Còn trên thế giới, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đối mặt với "hạn hán chớp nhoáng".
Hiện tượng này xảy ra khi lượng mưa thấp, cùng với các yếu tố khác như nhiệt độ cao, có thể nhanh chóng làm tăng tốc bốc hơi nước ra khỏi mặt đất và thảm thực vật. Hơn 74% khu vực trên thế giới - ngoại trừ Amazon và Tây Phi - đã chứng kiến sự gia tăng cả về tỷ lệ hạn hán chớp nhoáng và tốc độ khởi phát.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng, Cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!