Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng hủy tour hàng loạt, thay đổi lịch trình và xử lý yêu cầu hoàn tiền từ khách hàng, đặc biệt là các công ty lữ hành có tour đến Myanmar và Thái Lan.
Ngay sau khi trận động đất xảy ra, các công ty lữ hành tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã phải hủy hoặc điều chỉnh nhiều chuyến du lịch đến Myanmar. Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, hầu hết các tour có lịch trình tham quan Yangon, Bagan hay Mandalay đều bị hoãn vô thời hạn do lo ngại về an toàn và hệ thống giao thông tại Myanmar bị gián đoạn.
Một số công ty lữ hành có chương trình kết hợp Myanmar – Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng khi nhiều du khách lo ngại dư chấn, dẫn đến quyết định hủy chuyến hoặc đổi điểm đến. Đại diện một công ty du lịch lớn tại TP Hồ Chí Minh cho biết, trong vòng hai ngày sau trận động đất, đơn vị này đã nhận hàng trăm yêu cầu hủy tour hoặc hoãn lịch khởi hành.
Các doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt với áp lực tài chính lớn khi khách hàng yêu cầu hoàn tiền hoặc đổi lịch trình. Một số công ty chấp nhận hoàn tiền theo chính sách quy định, trong khi nhiều đơn vị nhỏ hơn gặp khó khăn do đã đặt cọc dịch vụ với đối tác nước ngoài.
Một số hãng hàng không có chính sách miễn phí đổi vé hoặc hoàn tiền nếu chuyến bay bị hủy do thiên tai, thảm họa tự nhiên. Tuy nhiên, điều này thường áp dụng cho hành khách đặt vé trực tiếp hơn là thông qua công ty du lịch. Nhìn chung, các hãng hàng không có thể hỗ trợ nhưng không phải lúc nào cũng hoàn toàn miễn phí. Việc công ty du lịch có được hỗ trợ hay không phụ thuộc vào chính sách từng hãng, điều khoản hợp đồng và loại vé đã đặt.
Cung điện Mandalay (Myanmar) trước khi trận động đất đi qua (Ảnh: Gody)
Myanmar vốn là điểm đến thu hút du khách quốc tế nhờ các công trình kiến trúc cổ kính và nét văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, sau trận động đất, các chuyên gia dự đoán lượng khách đến quốc gia này sẽ sụt giảm đáng kể, ít nhất trong vài tháng tới, do tâm lý e ngại của du khách.
Bên cạnh đó, việc khắc phục hậu quả thiên tai và khôi phục các điểm du lịch sẽ cần nhiều thời gian, làm giảm sức hút của Myanmar trên bản đồ du lịch quốc tế. Trước những tác động tiêu cực của trận động đất, các công ty du lịch đang tìm cách điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó tập trung vào việc tăng cường truyền thông về các điểm đến an toàn, linh hoạt chính sách hoàn hủy tour và đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Dù ngành du lịch Myanmar có thể mất một thời gian để phục hồi, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành đánh giá lại chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường hợp tác với các thị trường mới để giảm phụ thuộc vào một khu vực cụ thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!