Bước tiến vượt bậc trong điều trị ung thư phổi giúp người bệnh sống lâu hơn

Tuệ Trâm-Thứ sáu, ngày 22/12/2023 20:06 GMT+7

Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn (từ trái qua): TS.BS Nguyễn Anh Dũng, TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, BS Trần Vương Thảo Nghi và MC Thúy Hằng. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

VTV.vn - Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, thuốc điều trị nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch kết hợp chăm sóc giảm nhẹ… góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Tiến bộ mới trong điều trị ung thư phổi giúp bệnh nhân sống lâu hơn" vào 20h ngày 20/12. Kính mời quý độc giả xem lại chương trình tại đây.

Ung thư phổi có thể gặp ở mọi giới tính, độ tuổi

Ung thư phổi (hay K phổi) là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất và có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu thế giới. Theo thống kê từ Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN năm 2020, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai ở cả 2 giới, chỉ sau ung thư gan ở nam và ung thư vú ở nữ. Ước tính mỗi năm có khoảng hơn 26.000 trường hợp mắc mới và khoảng 23.700 người tử vong do căn bệnh này.

Bước tiến vượt bậc trong điều trị ung thư phổi giúp người bệnh sống lâu hơn - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi cho biết, hiện nay y học chưa xác định nguyên nhân chính xác gây ung thư. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi - Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, một số yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổi gồm hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, ngành nghề tiếp xúc với khói bụi công nghiệp, hóa chất dạng hít có thể gây tổn thương các tế bào trong phổi. Ngoài ra môi trường ô nhiễm và hạn chế vận động có thể tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, đặc biệt ở nam giới.

Ung thư phổi được ghi nhận ở cả người trẻ, bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Bác sĩ Nghi lý giải nguyên nhân thứ nhất do sự thay đổi lối sống, sinh hoạt kém lành mạnh như căng thẳng, hạn chế vận động, hút thuốc lá và thuốc lá điện tử khiến tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Thứ hai, việc phát triển các hệ thống xét nghiệm và chẩn đoán tầm soát ung thư giúp phát hiện các nốt bất thường và ung thư giai đoạn sớm.

TS.BS Đặng Thị Mai Khuê - Phó khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, một số triệu chứng ung thư phổi giai đoạn sớm có thể nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Và khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như ho, ho có đờm, ho ra máu, khàn tiếng, khó ăn, khó nuốt… có khả năng bệnh đã ở giai đoạn muộn. Một số bệnh nhân ung thư phổi xuất hiện các triệu chứng đau cột sống do tế bào ung thư di căn xương, vàng da, đau bụng do di căn các cơ quan ổ bụng, triệu chứng thần kinh do di căn não.

Bước tiến vượt bậc trong điều trị ung thư phổi giúp người bệnh sống lâu hơn - Ảnh 2.

TS.BS Đặng Thị Mai Khuê cho biết ung thư phổi phát hiện muộn do các triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh lý phổi thông thường. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Nhìn chung, việc điều trị ung thư thường khó khăn do phát hiện bệnh trễ, các triệu chứng không đặc hiệu ở giai đoạn sớm. Bác sĩ Mai Khuê nhấn mạnh mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe, thực hiện tầm soát ung thư, đặc biệt đối với nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Phương pháp tầm soát, điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm

Bác sĩ Mai Khuê chia sẻ, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, chụp X-quang phổi (X-quang ngực thẳng) và chụp CT phổi liều thấp là một trong những biện pháp hiệu quả giúp tầm soát và phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm. CT phổi liều thấp là phương pháp tầm soát được khuyến nghị thực hiện ở nhóm người có nguy cơ cao.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, hệ thống máy CT 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp chụp CT phổi liều thấp với tốc độ quay nhanh hơn, quan sát đa diện, giúp thể hiện các nốt tổn thương phổi kích thước nhỏ chỉ 2-3mm, tỷ lệ bỏ sót rất thấp. Đây là một xu hướng mới trong tầm soát ung thư phổi hiện nay.

Bước tiến vượt bậc trong điều trị ung thư phổi giúp người bệnh sống lâu hơn - Ảnh 3.

Hệ thống chụp CT 768 lát cắt giúp tầm soát phát hiện các nốt tổn thương phổi, ung thư giai đoạn sớm. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

"Phát hiện bệnh càng sớm, điều trị triệt căn hiệu quả giúp bệnh nhân ung thư phổi có thể sống sau 5 năm với tỷ lệ lên đến 90%", bác sĩ Thảo Nghi nhấn mạnh.

Một trong những phương pháp điều trị mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân ung thư phổi là phẫu thuật triệt căn khối u, đặc biệt với bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, tại Bệnh viện Tâm Anh, nhờ sớm áp dụng các tiến bộ, cải tiến trong điều trị y khoa, bệnh nhân ung thư phổi có thể được phẫu thuật nội soi, ít xâm lấn thay cho phương pháp mổ mở kinh điển. Dưới sự hỗ trợ hệ thống thiết bị hình ảnh học video assistants, bác sĩ hoàn toàn có thể nhìn rõ các tổn thương nhỏ cũng như xác định các mối liên hệ giữa nốt sang thương với các tổ chức mô xung quanh. Từ đó phẫu thuật viên có thể cắt bỏ hoàn toàn mô phổi chứa tế bào ung thư, nạo vét hạch bằng các lỗ mổ nhỏ kích thước dưới 1cm.

Bước tiến vượt bậc trong điều trị ung thư phổi giúp người bệnh sống lâu hơn - Ảnh 4.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng cho biết, hơn 80% bệnh nhân u phổi giai đoạn sớm được điều trị triệt căn bằng phẫu thuật nội soi. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Nhờ tiến bộ trong điều trị triệt căn u phổi bằng phương pháp ít xâm lấn, bệnh nhân ít chảy máu, giảm tổn thương mô phổi, hạn chế biến chứng hậu phẫu. Đồng thời giúp người bệnh khắc phục tự ti nhờ đường sẹo nhỏ, thẩm mỹ, hạn chế tổn thương phổi. Bệnh nhân sớm phục hồi và quay lại sinh hoạt, làm việc chỉ 3-5 ngày sau mổ.

"Người bệnh ung thư phổi cần được can thiệp đúng thời điểm. Bệnh nhân nên bình tĩnh và tham vấn bác sĩ điều trị trực tiếp, tránh chần chừ kéo dài ảnh hưởng hiệu quả điều trị cuối cùng", bác sĩ Dũng khuyến nghị.

Chăm sóc toàn diện, tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân ung thư

Bác sĩ Thảo Nghi nhấn mạnh 3 yếu tố then chốt trong điều trị ung thư gồm: cá thể hóa, đa mô thức và đảm bảo chất lượng sống cho bệnh nhân.

Điều trị cá thể hóa là lựa chọn phương pháp điều trị dựa trên các đặc điểm riêng biệt cụ thể của từng bệnh nhân, như giai đoạn bệnh, tổng trạng sức khỏe và kết quả xét nghiệm của mỗi người.

Đa mô thức trong điều trị ung thư là sự phối hợp nhiều phương pháp điều trị nhằm đạt mục tiêu hiệu quả điều trị cao nhất. Điều này giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tiến triển, tái phát và di căn xa. Quan trọng nhất là giúp người bệnh kéo dài thời gian sống còn.

Bước tiến vượt bậc trong điều trị ung thư phổi giúp người bệnh sống lâu hơn - Ảnh 5.

Các dược sĩ pha thuốc trong phòng pha hóa chất áp suất âm tại Bệnh viện Tâm Anh giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn thuốc.

Hiện nay, bên cạnh 3 phương pháp điều trị ung thư kinh điển gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị; bệnh nhân ung thư phổi có thể tiếp cận 2 liệu pháp điều trị được xem là sự bùng nổ trong kỷ nguyên điều trị ung thư là điều trị nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch. Hai phương pháp mới kết hợp với phương pháp điều trị ung thư truyền thống giúp cải thiện rõ rệt kết quả điều trị.

Ngoài ra, chương trình chăm sóc giảm nhẹ nhằm nâng đỡ thể trạng người bệnh, đảm bảo chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe để tiếp tục điều trị luôn được chú trọng. Với lợi thế là bệnh viện đa khoa, khi điều trị tại Bệnh viện Tâm Anh, bệnh nhân ung thư phổi được thiết kế phác đồ điều trị phù hợp nhờ các cuộc hội chẩn liên chuyên khoa giữa bác sĩ Ung bướu, Ngoại Lồng ngực, Chẩn đoán hình ảnh, Dinh dưỡng…

Cuộc chiến chống lại ung thư đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì và tinh thần lạc quan. Cả gia đình, thân nhân và bạn bè cần trở thành điểm tựa vững chắc, luôn đồng hành và thấu hiểu người bệnh.

Bên cạnh các phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi, người bệnh cần tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm và kiểm soát tốt các bệnh nền. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm vaccine phòng ngừa bệnh để không ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Ung thư phổi

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước