Bộ trưởng Lê Minh Hoan "đắng lòng" khi nông dân đốn điều, trồng sầu riêng

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 21/08/2024 11:33 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết đã chứng kiến cảnh bà con Bình Phước đốn điều để trồng sầu riêng dù Bình Phước là "vương quốc điều".

"Trồng sầu riêng thu 1 tỷ đồng/ha còn trồng điều là 35 - 40 triệu đồng"

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/8, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) đặt câu hỏi, trong thời gian tới sẽ có giải pháp như nào để bảo đảm giá trị thương hiệu hạt điều, sầu riêng cũng như bảo vệ được quyền lợi và cải thiện đời sống của người dân?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đắng lòng khi nông dân đốn điều, trồng sầu riêng - Ảnh 1.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đặt câu hỏi

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ông đã chứng kiến cảnh bà con đang đốn điều để trồng sầu riêng và hỏi vì sao Bình Phước là "vương quốc điều" mà bà con lại nỡ bỏ đi loại cây gắn bó bao đời.

"Bà con nói tôi là thu nhập trồng sầu riêng là 1 tỷ đồng/ha còn trồng điều là 35 - 40 triệu đồng/ha thì chúng tôi nên như thế nào? Một câu nói rất đắng lòng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều" - Bộ trưởng chia sẻ.

Về giải pháp trong vấn đề này, trưởng ngành nông nghiệp cho biết, cần phải ứng biến theo quy luật thị trường bởi không thể ngăn chặn việc này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức mô hình khuyến nông, bản thân cây điều có đa tầng giá trị. Theo đó, nấm linh chi đỏ có thể đem lại thu nhập cao, nằm dưới tán rừng điều. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Bình Phước tích cực triển khai mô hình này. Bên cạnh đó, cây điều là giống cây hữu cơ, có thể bán tín chỉ carbon để thêm nguồn thu cho bà con.

Đánh giá Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa dạng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Bình Phước cần đẩy mạnh sản phẩm OCOP về điều. Theo đó, cần xây dựng chuỗi chia sẻ, liên kết giữa người trồng điều và doanh nghiệp chế biến điều.

"Chúng ta hay nhập điều từ nước ngoài trong khi bà con chúng ta như thế. Do vậy cần phải có giải pháp" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Liên quan đến vấn đề sầu riêng, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bình Phước sẽ tái cơ cấu lại ngành hàng sầu riêng.

"Không còn con đường nào khác, muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng thì phải có Hiệp hội ngành hàng, trong đó có sự liên kết của các doanh nghiệp, các nhà vựa với bà con nông dân trồng sầu riêng để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu. Mới đây, chúng tôi vừa ký Hiệp định thư thứ 2 về sầu riêng chế biến như cơm sầu riêng, hạt sầu riêng, bột sầu riêng, sầu riêng đông lạnh… Như vậy toàn bộ ngành hàng sầu riêng đã mở cửa với thị trường Trung Quốc" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Bộ trưởng cho rằng cần phải đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia thì phải có thiết chế quốc gia, chính sách chung về sầu riêng cho nông dân, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng… bởi Việt Nam hiện đang đi sau các thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc như Thái Lan, Malaysia…

Tiếp tục chứng minh nỗ lực của Việt Nam trong tháo gỡ thẻ vàng IUU

Cùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) chỉ ra rằng đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động thủy sản. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đến thời điểm hiện tại, Bộ đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình thực hiện vận động Ủy ban châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng về thủy sản đối với Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đắng lòng khi nông dân đốn điều, trồng sầu riêng - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đặt câu hỏi

Về các giải pháp gỡ "thẻ vàng" IUU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển, để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU đã được thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Chúng ta cũng tổ chức lại hệ thống kiểm ngư, hiện 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư; chúng ta có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hình sự hóa những hành vi vi phạm liên quan đến IUU.

Mặc dù đã giảm 20.000 chiếc tàu (từ hơn 100.000 chiếc xuống còn 86.000 chiếc) nhưng so với các nước trong khu vực, số lượng tàu của Việt Nam quá nhiều trên vùng biển, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững.

Thời gian tới, cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm. Tuy nhiên, cấu trúc ngành thủy sản rời rạc, manh mún, nhỏ lẻ, nhưng chưa có thiết chế thực hiện theo hướng cộng đồng cùng quản lý nguồn lợi thủy sản - đây cũng là nội dung đã được quy định trong luật...

Bộ trưởng cũng cho biết, trình độ nhân lực nghề cá còn hạn chế, vì vậy thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để tăng cường nhận thức cho ngư dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước