Bệnh nhân COVID-19 đối mặt nhiều áp lực tâm lý

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 29/09/2021 19:05 GMT+7

VTV.vn - Trầm cảm, lo âu, hoảng loạn là những vấn đề về sức khỏe tâm thần của nhiều bệnh nhân mắc COVID-19, thậm chí họ còn phải hứng chịu ánh mắt kỳ thị của cộng đồng.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 bị trầm cảm, rối loạn lo âu

Đại dịch COVID-19 đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, trong đó ngoài vấn đề về sức khỏe thể chất còn có những vấn đề về tâm lý và sức khỏe tinh thần. Vừa qua, theo khảo sát của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), có tới 53,3% bệnh nhân COVID-19 bị rối loạn lo âu, 20% bệnh nhân bị trầm cảm và có khoảng 16,7% bị áp lực tâm lý dẫn đến stress.

"Trong quá trình điều trị bệnh, em đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc từ nhớ nhà, bất an cho đến bồn chồn, lo âu, cảm giác đó đến liên tục vào buổi chiều tối. Có lúc cầm điện thoại lên đọc những dòng tin nhắn bạn bè gửi mà không hiểu họ nói gì dù là đoạn tin rất ngắn, lại khiến mình càng hoảng sợ lo lắng hơn, có lúc mất kiểm soát đến muốn xỉu ngay lập tức...".

Đó là những áp lực tâm lý nặng nề mà Nguyễn Thành Đạt - bệnh nhân COVID-19 đã điều trị khỏi bệnh - cũng như nhiều bệnh nhân COVID-19 hiện đang điều trị trong các bệnh viện gặp phải. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân từng thở HFNC (thở oxy dòng cao) thì tỷ lệ trầm cảm còn lên đến trên 60%, những rối loạn lo âu và hoảng loạn ở các bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy cũng có tỉ lệ cao tương đương.

Bác sĩ Vũ Quyết Tiến, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, hỗ trợ Bệnh viện dã chiến số 6 TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đối với những bệnh nhân phải thở oxy lâu dài, họ ám ảnh với việc thở oxy đó, họ sợ phải bỏ oxy ra, lo lắng bệnh sẽ nặng hơn. Thậm chí về nhà rồi, dù triệu chứng rất nhẹ cũng vẫn ám ảnh với việc thở oxy trong bệnh viện".

Bệnh nhân COVID-19 đối mặt nhiều áp lực tâm lý - Ảnh 1.

Lo sợ bệnh của mình chuyển biến nặng giống những bệnh nhân mình đã tiếp xúc, cộng thêm với việc phải điều trị một mình, xa gia đình, xa người thân, sinh hoạt không được như mong muốn lại mất vị giác khứu giác khi ăn uống... là một vài nguyên nhân khiến bệnh nhân COVID-19 bị sụt giảm tinh thần nặng nề trong quá trình điều trị. Hiểu rõ điều này nên đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh thường xuyên kết nối với các cơ sở điều trị COVID-19 để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các F0.

Theo các chuyên gia tâm lý, dịch bệnh hầu hết đều ảnh hưởng đến đời sống tâm lý và sức khỏe tinh thần của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, tùy nhận thức, tính cách và chiến lược chống đỡ khủng hoảng của mỗi người mà khả năng vượt qua áp lực bệnh dịch là nhanh hay chậm. Đặc biệt, yếu tố tinh thần là yếu tố cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 này.

Ảnh hưởng tâm lý đối với bệnh nhân COVID-19

Gia đình 5 người nhà bà Khang vừa trở về nhà sau hơn 1 tháng chiến đấu với virus SARS-CoV-2. Đó là quãng thời gian khó khăn nhất đối với gia đình khi mỗi thành viên phải tự mình giành giật sự sống mà không có người thân bên cạnh. Bà Khang sẽ không thể quên những khoảnh khắc khi một mình trong phòng hồi sức, xung quanh là tiếng máy thở và thỉnh thoảng là tiếng tít dài khi có bệnh nhân tử vong.

Những bệnh nhân F0 còn phải đối mặt với những ánh mắt kỳ thị, trách cứ của cộng đồng. Nhiều người cho rằng những người mắc bệnh COVID-19 đều là những người vô ý thức, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, khiến họ phải chịu cảnh cách ly hoặc thậm chí là bị lây nhiễm bệnh.

"Bản thân em thấy những điều tiếng đó là không đúng bởi em chấp hành đầy đủ, không ra đường nhưng em không thể đi giải thích được hết", em Hà Phương, cháu bà Khang chia sẻ.

Sau hơn 1 tháng trở về nhà, bà Khang đã tăng được 4 kg và hàng ngày bà thường xuyên tập thể dục, tập thở theo hướng của bác sĩ. Cô cháu gái chuẩn bị quay trở lại Pháp để tiếp tục chương trình học. Gia đình bà Khang đang nỗ lực để cuộc sống trở lại bình thường nhưng những gì mà cả gia đình đã trải qua sẽ luôn là nỗi ám ảnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước