Bất ổn tâm lý tuổi mới lớn

Hồ Trí, Hồng Anh, Tài Vũ, Bằng Việt-Thứ hai, ngày 11/04/2022 12:06 GMT+7

VTV.vn - Làm sao để xóa mờ khoảng cách thế hệ, giúp các em sẻ chia, gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực?

Ai cũng phải đối mặt áp lực cuộc sống nhưng nếu không được giải tỏa, những áp lực chồng chất dần sẽ khiến người chịu đựng dần dần hóa trầm cảm. Đặc biệt, ở lứa tuổi vị thành niên, khi đang có những chuyển biến tâm lý, các em nhạy cảm hơn rất nhiều, dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực. Làm sao để xóa mờ khoảng cách thế hệ, giúp các em sẻ chia, gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực?

13,5 triệu người Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần

Với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, ai cũng có những áp lực riêng trong công việc, gia đình hay từ chính bản thân chúng ta. Những áp lực này nếu đè nén lâu ngày sẽ dẫn tới những rối loạn tâm lý.

Tại Việt Nam, hiện có tới 13,5 triệu người (tương đương 15% dân số) có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Riêng với trẻ vị thành niên, một khảo sát mới nhất của Bệnh viện Nhi trung ương về sức khỏe tâm thần, được thực hiện ở Hà Nội cho thấy tỷ lệ sàng lọc trầm cảm là 26%, stress/căng thẳng là 33% và có rối loạn lo âu là tới 38%. Điều này là dễ hiểu khi vị thành niên là giai đoạn có những chuyển biến tâm lý rất mạnh.

Bế tắc tâm lý dẫn đến những suy nghĩ dại dột

Các em rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài. Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến các em dễ cảm thấy bế tắc và chọn những cách giải quyết tiêu cực nhất. một Trong nhiều lời tâm sự của các nhân vật, có những suy nghĩ khiến người nghe thật sự thấy giật mình, lo lắng.

Bất ổn tâm lý tuổi mới lớn - Ảnh 1.

- Em cảm thấy mình tồn tại chả có nghĩa gì cả. Cuộc sống này quá nhiều áp lực.

- Áp lực trường lớp, học hành, thi cử.

- Em cảm thấy trống rỗng, em không thể khóc nổi, em muốn giải toả sự mệt mỏi nặng nề đó. Em muốn khóc nhưng mà không thể khóc được.

- Mình nghĩ chết là hết, mình sẽ không chịu những cơn đau này nữa.

- Em muốn biến mất khỏi thế gian này, không còn ai nghĩ đến và nhớ về nữa. Nhưng sau việc này, em lại thấy bố mẹ em và mọi người đều quan tâm đến em nhưng mà em mệt mỏi lắm.

- Mình nghĩ là mình đã thoát khỏi ý định tự sát rồi. Cuộc sống này vẫn còn tươi đẹp mà, mình còn có gia đình, bố mẹ và những người xung quanh.

Nhiều trẻ nhập viện do trầm cảm

Cảm thấy cuộc sống vô nghĩa, bản thân vô dụng rồi tìm cách tự hại mình, thậm chí, muốn kết thúc cuộc sống, theo các bác sĩ, đó là những biểu hiện điển hình của bệnh trầm cảm cũng như những bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Tuy chúng dễ gọi tên nhưng lại rất khó để nhận biết. Vì thế, có những vụ việc, nếu gia đình có thể phát hiện sớm sẽ kịp thời giúp các con vượt qua. Nhưng đáng tiếc, vẫn có những trường hợp lại đã quá muộn.

Bất ổn tâm lý tuổi mới lớn - Ảnh 2.

Nhận biết trẻ trầm cảm có lẽ ngày càng cần thiết, khi xã hội phát triển nhanh, các em lại càng dễ gặp áp lực tâm lý từ nhiều phía. Thực tế, tại các bệnh viện về chuyên khoa tâm thần, hiện ngày càng có nhiều trẻ em được gia đình đưa đến khám, liên quan đến rối loạn trầm cảm.

Không muốn giao tiếp với ai, chỉ thích một mình, vì quá lo lắng cho cô con gái 13 tuổi nên người mẹ đã phải đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý.

Hay một trường hợp khác, thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu, mệt mỏi, lúc nào cũng suy nghĩ về những điều tiêu cực nên vừa phải nhập viện để điều trị bệnh trầm cảm.

Em chia sẻ: "Không ai hiểu cho em, mọi người cứ áp lực. Bạn bè thì nói những thứ không tốt. Về nhà bố mẹ cũng không hiểu. Em cảm thấy em thừa thãi, ngày nào cũng nghĩ đến cái chết".

Tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, mỗi ngày tiếp nhận gần 10 trường hợp trẻ vị thành niên đến khám các vấn đề liên quan đến rối loạn tâm thần. Phổ biến nhất vẫn là rối loạn trầm cảm. Đáng nói, đa số trẻ đều đến trong tình trạng muộn.

Số ca mắc nhiều nhưng hiện tại cả nước chỉ có gần 1.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Vì vậy, nhu cầu cấp bách là phát triển đào tạo để có thêm nhân lực xử lý tốt những rối loạn tâm lý, nhất là trong chăm sóc, hỗ trợ trẻ vị thành niên.

Khoảng cách thế hệ và đứt gãy vô hình

Thực ra, việc đưa con trẻ đến bệnh viện thăm khám cũng là cách cực chẳng đã khi đành phải nhờ đến những liệu pháp quyết liệt để kịp thời can thiệp. Biện pháp bền vững và hiệu quả nhất vẫn phải đến từ chính gia đình, chính cuộc sống tinh thần hàng ngày của trẻ, được chăm chút từ bé đến lớn như thế nào. Bởi cha mẹ mới là những người luôn bên cạnh, gần gũi và có ảnh hưởng nhiều nhất với con.

Mặc dù biết rằng phụ huynh, ai cũng ít nhiều đặt kỳ vọng vào con mình nhưng điều này vô tình sẽ đặt lên vai các em những gánh nặng mà nếu quá nặng và kéo dài lâu sẽ tạo nên "bức tường thành" đầy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Dần dần, đẩy trẻ vào cuộc sống khép kín. Thậm chí tệ hơn, đôi khi còn gây ra những xung đột thế hệ, dẫn đến tổn thương không đáng có cho cả hai phía.

Bất ổn tâm lý tuổi mới lớn - Ảnh 3.

Cuộc sống bình thường mới đang trở lại và trẻ em hầu hết cũng đã được đến trường. Việc học tập trực tiếp, được giao lưu tiếp xúc với bạn bè thầy cô cũng là một yếu tố quan trọng, giúp giải tỏa tâm lý của trẻ em. Bên cạnh xây dựng lại nếp học như trước, cùng nhau chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi sắp tới, một số trường hiện cũng đã rất quan tâm tới sức khỏe tinh thần của các học sinh.

Những "phòng tư vấn tâm lý học đường" đã được tổ chức để giúp các em dám nói ra những cảm xúc thực sự của mình. Từ đó, nhà trường phối hợp với gia đình để kịp thời can thiệp, hỗ trợ các em, không để những xúc cảm tiêu cực có thể dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước