Bất cập quản lý chất thải trang trại chăn nuôi

Anh Tuấn-Thứ ba, ngày 25/03/2025 18:55 GMT+7

Tự động phát sau
1
Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Ngày càng nở rộ các trang trại chăn nuôi với quy mô công nghiệp theo kiểu tự phát, thiếu kiểm soát, không nằm trong quy hoạch khu chăn nuôi tập trung.

Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng của nước ta, không chỉ là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân mà góp phần đảm bảo sinh kế cho người nông dân, tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Cũng bởi vì những vai trò quan trọng đó, tại một số địa phương hiện nay, mô hình các trang trại chăn nuôi với quy mô công nghiệp mọc lên ngày một nhiều. Điều này đặt ra bài toán cho công tác kiểm soát, giám sát của chính quyền địa phương đến các cơ quan quản lý với mục tiêu để hướng đến sự phát triển bền vững.

Nở rộ các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp

Ở xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, để phát triển kinh tế, từ nhiều năm nay, tại đây, đã mọc lên nhiều trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn. Vị trí diện tích nhỏ thì cũng vài nghìn m2- còn lớn hơn thì có thể lên đến cả hecta.

Tương tự, tại địa bàn huyện Tam Đảo, gần đây số lượng các trang trại chăn nuôi cũng gia tăng nhanh chóng.

Vị trí này bao gồm một phần đất rừng và đất khai hoang của người dân, vốn không được xây dựng trang trại kiên cố - nhưng hơn một năm nay, đã mọc lên hai dãy chuồng chăn nuôi công nghiệp.

Không chỉ tồn tại trái phép, theo người dân địa phương, để gia tăng diện tích, chủ trang trại còn có hành vi đổ bê tông lấn hơn một nửa dòng suối thoát lũ từ rừng Tam Đảo.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, thực tế ngày càng nở rộ các trang trại chăn nuôi với quy mô công nghiệp theo kiểu tự phát, thiếu kiểm soát, không nằm trong quy hoạch khu chăn nuôi tập trung sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến môi trường về sau.

Theo thiết kế, mỗi dãy chuồng - có thể nuôi được vài trăm con. Số lượng vật nuôi nhiều hay ít tại mỗi trang trại có thể tùy từng thời điểm. Nhưng một thực tế chắc chán rằng: Số lượng chuồng trại càng gia tăng bao nhiêu - thì cũng cũng đồng nghĩa, số lượng nước thải, chất thải phát sinh sẽ càng gia tăng bấy nhiêu.

Quy định quản lý chất thải chăn nuôi

Theo Điều 59, Luật chăn nuôi 2018, chất thải chăn nuôi bao gồm chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải và chất thải khác. Việc quản lý và xử lý chất thải phát sinh tại các trang trại cũng được quy định rõ từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý, trước khi thải ra môi trường đều phải tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi

Các nghiên cứu đã chỉ ra, đặc trưng của nước thải phát sinh từ các trang trại chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn có chứa hàm lượng lớn các chất hữu cơ như C0D, BOD,… Đây là những thành phần dễ phân hủy, gây mùi hôi thối, phát sinh khí độc, làm sụt giảm lượng ôxy hòa tan trong nước. Nếu không được xử lý khi thải ra nguồn tiếp nhận sẽ gây ô nhiễm môi trường, gây phì dưỡng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến cây trồng và là nguồn dinh dưỡng quan trọng để các vi khuẩn gây hại phát triển. Ngoài ra, trong nước thải của trang trại chăn nuôi có chứa hàm lượng lớn các vi khuẩn gây bệnh dịch. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người cũng như động vật trong khu vực.

Cũng chính vì bởi những nguy cơ rất lớn như vậy, nên việc vi phạm quy định xử lý chất thải chăn nuôi hoàn toàn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất lên đến 10 triệu đồng. Ngoài ra có thể bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục như một biện pháp khắc phục hậu quả. Quy định chặt chẽ là vậy - nhưng trên thực tế, việc đảm bảo, tuân thủ quy định pháp luật về môi trường với các chủ trang trại vẫn là một bài toán khó, chưa tìm được lời giải.

Nan giải bài toán xử lý chất thải trang trại chăn nuôi

Để xử lý toàn bộ chất thải phát sinh từ trang trại chăn nuôi, hộ gia đình nhà anh Phú, ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo - đã thiết kế hệ thống thu gom, bể chứa với diện tích khoảng 300m2. Theo giới thiệu, công nghệ đang được áp dụng là Biogas hay còn gọi là khí sinh học.

Với ưu điểm có độ bền cao, dễ lắp đặt cùng chi phí thấp - công nghệ biogas đang được sử dụng phổ biến ở các trang trại. Nhưng cũng vì hạn chế, chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm chất thải chăn nuôi - nên dù đã triển khai nhưng thực tế lần gần nhất trong năm 2024, trang trại này vẫn bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt về hành vi xả thải không đạt quy chuẩn cho phép.

Chẳng còn cách nào khác, hàng ngày, người dân - vẫn phải sử dụng dòng nước đã đặc sánh chất thải ở dưới suối để tưới vào ruộng của mình.

Theo ghi nhận, ở nhiều trang trại chăn nuôi còn có tình trạng đối phó, khi thiết kế lắp đặt bể xử lý bằng công nghệ biogas nhưng lại không sử dụng đến. Toàn bộ nước thải và chất thải phát sinh không hề chảy qua hệ thống thu gom-mà cứ thế xả thẳng ra sông.

Chẳng sai khi nói rằng, ở đâu có trang trại - thì ở đó đặt ra bài toán về việc xử lý chất thải chăn nuôi. Ngay cả khi trang trại nằm ở giữa cánh đồng, đã cách xa khu dân cư.

Nếu nước thải xả ra rồi tiêu thoát hết thì việc đảm bảo môi trường còn có ý nghĩa gì? Tưởng chừng mọi chuyện sẽ "khuất mắt trông coi" - nhưng những gì đang diễn ra thì không có cách nào để che giấu. Dòng nước thải từ trang trại lợn giữa cánh đồng ở xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên đã nhuộm màu cho những ao hồ kế bên, giờ cũng chẳng thể đen thêm được nữa.

Trong quá trình thực hiện phóng sự, một số chủ trang trại có chia sẻ với nhóm phóng viên rằng, thực tế, việc xử lý chất thải phát sinh đảm bảo quy định là rất khó. Vì nếu đáp ứng thì phải tốn kém rất nhiều chi phí đầu tư công trình xử lý chất thải; chi phí duy trì, vận hành hệ thống… Thậm chí còn có nguy cơ lỗ vốn. Bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải phù hợp với từng loại hình - thì việc thực hiện chăn nuôi theo quy hoạch được coi là một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này.

Theo đánh giá của Hội chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi trong nước đang có những dịch chuyển nhanh chóng từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp; từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên chăn nuôi quy mô lớn. Trong đó kiểm soát môi trường là một trong 3 thách thức lớn nhất. Chừng nào chưa thực hiện quản lý, giám sát tốt khâu này thì khó có thể phát triển bền vững.

Sống mòn bên trang trại chăn nuôi nằm cạnh khu dân cư

Bên trong bao tải trôi sông này chứa đầy xác động vật. Vì không có khả năng xử lý hợp vệ sinh, người đàn ông chỉ biết dùng mọi cách để đẩy các bao tải trôi ra xa… Nhưng đẩy bao này, hôm sau, nhiều bao tải khác lại dạt về, khiến người dân địa phương chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Nước sông bẩn đã đành nhưng lại còn mang theo mầm mống dịch bệnh. Lợn, gà chết trôi sông khiến vật nuôi của các hộ dân ở ven bờ cũng bị đe dọa.

Từ những gì nhìn thấy, theo người dân địa phương, một trong những nguyên nhân khiến nước sông ô nhiễm là do chất thải phát sinh từ trang trại chăn nuôi có quy mô lớn tại địa bàn xã.

Được xây dựng với quy mô lên đến 1ha, nằm ngay cạnh sông, khu trang trại nuôi gà và lợn ở đây được xác định tồn tại trái phép, vì không nằm trong quy hoạch khu chăn nuôi tập trung của địa phương. Làm việc với phóng viên, chủ trang trại quả quyết không gây ô nhiễm môi trường, vì đã thiết kế hệ thống bể biogas thu gom chất thải. Thậm chí, còn chưa xả thải lần nào trong 3 năm nay vì bể chứa chưa đầy.

Một nghịch lý mà người dân địa phương đã nhận ra, từ khi hoạt động đến nay, trang trại luôn trong tình trạng khép kín, khử trùng chặt chẽ mọi khâu đầu vào. Nhưng ô nhiễm phía sau lại lan rộng, khó kiểm soát… Bởi tại thời điểm ghi hình, đường ống dẫn nước thải từ trang trại vẫn âm ỉ xả ra sông thế này. Để rồi theo dòng nước cuốn đi - như chẳng hề có sự liên quan.

Không lấy được mẫu thì cũng đồng nghĩa - mọi chuyện xảy ra đã trôi theo dòng nước. Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, đang tiến hành rà soát hồ sơ, sớm lập đoàn kiểm tra để đánh giá việc chấp hành pháp luật về môi trường đối với trang trại, sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước