Bảo vệ đối tượng nguy cơ - 1 trong 6 chiến lược y tế mới tại TP Hồ Chí Minh

Vũ Em – Tạ Hậu-Thứ ba, ngày 14/12/2021 10:00 GMT+7

VTV.vn - Để kéo giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã chính thức phát động nhiều giải pháp để bảo vệ đối tượng nguy cơ.

Diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ tử vong do COVID-19 những tuần gần đây bắt đầu tăng dần. Tỷ lệ tử vong tập trung phần lớn ở các đối tượng nguy cơ.

Nguyên nhân gây tử vong chủ yếu ngoài bệnh nền, lớn tuổi thì phần lớn là do chưa tiêm vaccine. Chẳng hạn như tại TP Thủ Đức, có hơn 60% ca tử vong là do chưa tiêm vaccine đầy đủ. Lý do chưa tiêm vì các gia đình sợ tiêm sẽ bị biến chứng cho người lớn tuổi.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã phát động nhiều giải pháp để bảo vệ đối tượng nguy cơ. UBND TP cũng đã có văn bản về việc bảo vệ đối tượng nguy cơ là một yếu tố trong 6 chiến lược y tế mới tại TP Hồ Chí Minh.

Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ

Đi đến tận nhà các gia đình có người lớn tuổi, đối tượng nguy cơ để thăm khám, lập danh sách tiêm vaccine. Chiến lược này đã từng được các địa phương tại TP Hồ Chí Minh thực hiện và nay được chú trọng tạo thành chiến dịch để bảo vệ họ trước diễn biến mới của dịch bệnh.

"Mẹ tôi đi lại không được tốt lắm nên được mọi người chăm lo cho người lớn tuổi thực sự là niềm vinh dự cho gia đình tôi. Xin cảm ơn tất cả", anh Dương Minh Thơ, phường 19, quận Bình Thạnh chia sẻ.

Theo các chuyên gia, các đối tượng nguy cơ như bệnh nền, người già, hệ miễn dịch suy yếu là đối tượng cần quan tâm đặc biệt để bảo vệ, bởi phần lớn số ca tử vong rơi vào đối tượng này. Với chiến dịch mới, các phường xã cần chủ động rà soát, nắm chắc danh sách tại địa phương mình quản lý.

Bảo vệ đối tượng nguy cơ - 1 trong 6 chiến lược y tế mới tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Các phường, xã, thị trấn lập danh sách người trong nhóm nguy cơ trên địa bàn để quản lý, chăm sóc (Ảnh minh họa: Hà Nội mới)

BSCKII Nguyễn Thị Hồng Hoa, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh cho hay: "Chúng ta phải thay đổi về cách quản lý, cách khám cũng như xét nghiệm để cho phù hợp với hoàn cảnh của dịch và việc chích ngừa sẽ được tiến hành ngay khi có thể. Chúng ta nên xem xét sử dụng liều 3 với đối tượng ngay khi có đủ vaccine".

Với chiến bảo vệ đối tượng nguy cơ, TP Hồ Chí Minh thực hiện 6 nhóm như lập danh sách quản lý, tiêm vaccine bổ sung, xét nghiệm tầm soát, truyền thông cho các gia đình, chăm sóc điều trị F0 cho đối tượng nguy cơ.

Trong các chiến lược mới của TP Hồ Chí Minh thì bao phủ vaccine tiếp tục là trụ cột quan trọng. TP khẳng định đây là chiến lược then chốt và quan trọng. Do đó, ưu tiêm vaccine cho người dân quay về TP Hồ Chí Minh, không bỏ sót bất kỳ ai và tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người suy giảm miễn dịch, lực lượng tuyến đầu. Hiện các địa phương đã khởi động việc tiêm mũi tăng cường này.

TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19

Hơn 8h tại điểm tiêm trường Đại học Công nghiệp, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, gần 2.000 người là lực lượng tuyến đầu chống dịch như: Y tế, công an và các lực lượng thuộc nhóm ưu tiên khác đang tiến hành tiêm mũi 3 vaccine phòng dịch COVID-19. Điều này giúp những người tham gia tuyến đầu chống dịch tăng thêm kháng thể phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh hiện tại.

"Với vai trò là lực lượng tuyến đầu chống dịch được tiêm vaccine mũi 3 sẽ giúp mình có thêm đề kháng để chống chọi với bệnh dịch này", Trung sĩ Trần Thanh Sang, Trung đoàn Cơ động Công An TP Hồ Chí Minh cho biết.

Đại úy Hồ Lâm Trường Giang, Công an phường 9, quận Gò Vấp cũng chia sẻ: "Khi được tiêm mũi 3 cho cán bộ chiến sĩ thì ai cũng an tâm vì tránh được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho mình và cho cả người nhà nữa".

Bảo vệ đối tượng nguy cơ - 1 trong 6 chiến lược y tế mới tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Để đảm bảo an toàn tiêm, tất cả người đến tiêm phải xuất trình giấy tờ chứng minh đã tiêm 2 mũi, khám sàng lọc và theo dõi sức khỏe sau tiêm tại nhà có sự giám sát của lực lượng y tế. Loại vaccine được tiêm là AstraZeneca hoặc Pfizer tùy theo chỉ định tiêm.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, việc tiêm liều bổ sung và nhắc lại sẽ trở thành hoạt động thường quy tại các quận, huyện.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều bổ sung là liều dành cho người đã tiêm đủ liều cơ bản, tức là đã tiêm 2 mũi nhưng thuộc nhóm suy giảm miễn dịch để nhóm này có thể đạt được miễn dịch bảo vệ như những người khỏe mạnh.

Quản lý chăm sóc F0 tại nhà

Quản lý danh sách, tiêm vaccine là chiến lược quan trọng trong giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh đang tính đến là quản lý, chăm sóc F0 hiệu quả tại nhà. Chính vì vậy TP sẽ

+ Kiêu gọi các nhà thuốc tư nhân tham gia vào việc chăm sóc F0

+ Mỗi F0 sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử

+ Huy động các nguồn lực vào quản lý, chăm sóc F0 tại nhà

Và để chủ động, tránh quá tải cho các tuyến điều trị F0 nặng thì TP đã đề nghị mỗi quận huyện, TP Thủ Đức phải chủ động thành lập các khu điều trị COVID-19 ngay tại địa phương.

Mỗi quận huyện thành lập các khu điều trị COVID-19

Bệnh viện điều trị COVID-19 có quy mô 300-500 giường vừa được quận Phú Nhuận đưa vào hoạt động. Bệnh viện được trang bị thiết bị y tế hiện đại đáp ứng điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Phú Nhuận cho biết: 'Nguồn nhân lực của chúng ta thứ nhất là nguồn của Viện. Thứ hai là các chuyên gia hồi sức từ sự hỗ trợ của Sở Y tế TP. Thứ ba là nguồn của các đơn vị bạn. Mình sẽ kết hợp Đông - Tây y để chăm sóc sức khỏe người dân".

Không chỉ tại Phú Nhuận mà mỗi quận huyện, thành phố Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh đều thành lập một cơ sở có thể hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 tại địa phương. Chiến lược này được cho là đánh chặn từ xa.

Diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, TP Hồ Chí Minh đề ra các chiến lược thích ứng mới nhằm chủ động các tình huống, trong đó việc giám sát dịch bệnh còn được tiến hành qua việc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào nhóm nguy cơ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước