Bão số 9 là cơn bão mạnh nhất mùa bão năm nay

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 18/12/2021 19:25 GMT+7

VTV.vn - Cơn bão muộn bất thường diễn ra vào thời điểm cuối năm, bão số 9 cường độ mạnh & đường đi trái quy luật, cảnh báo bão có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề.

Cơn bão muộn diễn ra vào thời điểm cuối năm, bão số 9 không những cường độ mạnh mà đường đi cũng trái với quy luật, diễn biến bất thường và hiếm gặp, ảnh hưởng đến nhiều vùng biển nước ta từ nay đến ngày 21/12.

Hiện tại, tâm bão số 9 đang trên vùng biển phía Bắc của huyện đảo Trường Sa. Bão đã gây ra gió mạnh tới cấp 14, giật cấp 17 tại trạm khí tượng Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa. Đây là tốc độ gió lớn nhất đo được tại trạm đảo này từ trước tới nay. Với sức gió lớn như vậy, bão số 9 cũng là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong mùa bão năm nay. Các cơn bão trước, sức gió đều từ cấp 12 trở xuống.

Bão số 9 là cơn bão mạnh nhất mùa bão năm nay - Ảnh 1.

Về diễn biến tiếp theo của bão số 9, dự báo 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc. Đến chiều 19/12, khi tâm bão ở ngay trên vùng biển ngoài khơi Bình Định - Khánh Hòa, sức gió vùng gần tâm vẫn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, gây biển động dữ dội, có thể đánh đắm tàu trọng tải lớn.

Mối nguy hiểm nhất từ bão số 9 là sóng to, gió lớn trên biển. Nhưng với hoàn lưu rộng, rìa Tây cơn bão sẽ ảnh hưởng đến cả đất liền Trung Bộ gây gió mạnh, mưa lớn.

Dự báo từ đêm nay (18/12), trên đất liền Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7; Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8; giật cấp 9. Sức gió từ cấp 8 trở lên có thể gây thiệt hại về nhà cửa. Thời gian không còn nhiều, người dân trong vùng cảnh báo gió mạnh hãy nhanh chóng gia cố nhà cửa, nhất là với những loại nhà không kiên cố.

Bão số 9 là cơn bão mạnh nhất mùa bão năm nay - Ảnh 2.

Về diễn biến mưa lớn, mưa tập trung trong đêm 18/12, ngày 19/12, khu vực Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa tổng lượng mưa phổ biến 100 - 250mm, có nơi trên 300mm. Mưa cấp tập chỉ hơn 1 ngày, người dân cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp.

Sau khi đi qua kinh tuyến 110, sẽ có 2 kịch bản xảy ra. Kịch bản 1, xác suất tới 95% bão sẽ đổi hướng liên tục, đi ngược lên phía bắc, đi song song với bờ biển Trung Bộ, vòng ra ngoài Bắc biển Đông, đây là vùng biển lạnh nên bão sẽ suy yếu dần.

Khả năng thứ 2 thấp nhiều, xác suất 5% là bão sẽ đi vào đất liền Trung Bộ gây mưa to và gió mạnh hơn kịch bản 1.

Thiên tai gây nhiều thiệt hại trong năm nay

Dù theo kịch bản nào, đây vẫn là một cơn bão nguy hiểm. Gió mạnh, sóng lớn đe dọa tàu thuyền trên biển và nhà cửa, các công trình ven biển, người dân trên các đảo, các khu neo đậu tránh trú và các diện tích nuôi trồng thủy hải sản. Miền Trung tiếp tục sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu không chủ động phòng tránh, bão số 9 có thể xảy ra những mất mát về người, tài sản.

Thực tế từ đầu mùa bão đến nay, trên biển Đông xuất hiện 3 cơn áp thấp nhiệt đới, 8 cơn bão, mặc dù không mạnh bằng bão số 9 hiện tại nhưng đã khiến 4 người thiệt mạng, mất tích. Khoảng 2.500 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, cuốn trôi. 15 chiếc tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng.

Khẩn trương ứng phó bão số 9

Rút kinh nghiệm từ những đợt bão mạnh trước, ngay lúc này, công tác phòng chống bão số 9 đang vô cùng gấp rút. Thông tin cập nhật từ Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Đến chiều 18/12, đã có 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận thực hiện lệnh cấm biển.

Bão số 9 là cơn bão mạnh nhất mùa bão năm nay - Ảnh 3.

Hơn 5.800 tàu cá của ngư dân Bình Định đã vào trú ẩn an toàn tại các cảng cá, âu thuyền. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Về tình hình tàu thuyền, đã thông báo, kiểm đếm hơn 58.000 tàu, thuyền của các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Hiện có 1.781 tàu hoạt động ở trên biển. Các phương tiện này đều đã nhận được thông tin về bão, đang di chuyển vòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm.

Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống Thiên tai khuyến cáo lực lượng chức năng tiếp tục hướng dẫn tàu thuyền di chuyển tránh bão hoặc về nơi tránh trú; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào trú bão, đi đôi với các biện pháp đảm bảo an toàn dịch COVID-19; tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho tàu thuyền và ngư dân ven biển.

Tại các âu tàu, cảng biển, tàu thuyền cần được sắp xếp neo đậu đúng cách, tránh để sóng gió va đập gây vỡ, lật tàu.

Bão số 9 là cơn bão mạnh nhất mùa bão năm nay - Ảnh 4.

Tàu thuyền neo đậu tránh bão Rai tại cảng cá Cà Ná (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Bà con ngư dân, người dân tại các đảo cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng, những ai còn ở trên tàu thuyền tại khu neo đậu, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản phải lập tức rời khỏi, về nơi tránh bão an toàn.

Trên đất liền, các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình cần được triển khai.

Đảm bảo an toàn khi khai thác hải sản mùa mưa bão

Mưa to gió bão đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Để đảm bảo hoạt động khai thác trên biển an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, bà con ngư dân cùng chính quyền địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó với thiên tai hiệu quả, thiết thực.

Tranh thủ những ngày biển động do ảnh hưởng của bão số 9, ngư dân Lê Em - quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đang sửa chữa ngư lưới cụ, chuẩn bị cho chuyến đi biển tiếp theo. Hơn 40 năm gắn bó với nghề biển, ông Em cho biết mặc dù nghề này cũng đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhất là khi biển động, thiên tai nhưng với hàng chục năm kinh nghiệm của mình, ông và bạn tàu đều tự tin mỗi khi vươn khơi bám biển.

Nhận thức được sự nguy hiểm khi thiếu các trang thiết bị thông tin liên lạc, dụng cụ cứu hộ, nhất là khi có thiên tai xảy ra, thời gian qua, nhiều chủ tàu ở Đà Nẵng đã chú trọng đầu tư nâng công suất tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ. Chính vì vậy, ngư dân bây giờ ra khơi không chỉ dựa vào kinh nghiệm mà có sự hỗ trợ của công nghệ nên độ an toàn cao nhiều.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ và đáp ứng yêu cầu khai thác thủy sản mùa biển động cho ngư dân, các cơ quan chức năng tích cực cập nhật và thông báo tình hình thời tiết để ngư dân chủ động ứng phó.

Đà Nẵng hiện có hơn 1.200 tàu thuyền thường xuyên hoạt động khai thác hải sản trên biển. Để đảm bảo an toàn cho tàu cá mùa mưa bão, các cơ quan chức năng khuyến cáo chủ tàu cũng như thuyền viên cần chấp hành tốt các quy định theo tiêu chuẩn quy định, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết; chủ động liên lạc với các cơ quan chức năng, thông báo về vị trí tàu và chấp hành mọi sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng mỗi khi gặp sự cố.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước