Khoảng trống quản lý nhóm trẻ mầm non ngoài công lập
Tất cả đều phẫn nộ khi nói về trường hợp cháu bé mới 17 tháng tuổi tử vong sau khi bị 2 giáo viên ở trường mầm non ở Thường Tín, Hà Nội bạo hành dã man. Điều đáng nói là trường hoàn toàn tự phát, chưa được cấp giấy phép hoạt động.
Ngoài câu chuyện xử lý, răn đe ra sao mà còn đằng sau đó là vấn đề chất lượng những cơ sở trông, chăm sóc, dạy trẻ nhỏ. Các loại giấy tờ xin cấp phép, thậm chí cả bằng cấp của người trông trẻ cũng trở thành thứ yếu trước nhu cầu cao về trông, giữ trẻ nhỏ tại nhiều địa phương. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong quản lý và xử phạt những cơ sở này khiến những sự việc thương tâm đã xảy ra và các cơ sở không phép vẫn hoạt động.
Áp lực thiếu trường học mầm non công lập
Cả nước thiếu gần 100.000 giáo viên, và thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non. Giáo viên bỏ nghề sau đại dịch COVID-19 nhiều nhất cũng ở bậc mầm non. Ở các TP, địa phương có nhiều khu công nghiệp, tốc độ di dân cao thì trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được một phần. Nhiều nơi có 30-40% nhu cầu gửi trẻ phải trông chờ vào trường, lớp tư thục. Thậm chí, nhiều nơi chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu học của trẻ, số trẻ còn lại được gửi cơ sở tư thục.
Thống kê của Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT, một số địa phương có tỷ lệ trường ngoài công lập cao: Bình Dương, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội. Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 54,6%.
Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ cuộc bốc thăm may rủi của 1 trường mầm non công lập tại Hà Nội. Lá phiếu bốc thăm cho con đi học như lối thoát hạnh phúc cho gia đình vậy. Khi cơ hội đi học được đặt cạnh những tờ phiếu may rủi, bản thân nó đã là một sự bất công.
Nhật Bản ưu tiên nuôi dạy trẻ ở bậc học mầm non
Bậc học mầm non là bậc học đầu tiên của trẻ. Bởi vậy đây là bậc học cần được chú ý nhất từ số lượng, tác phong đến kiến thức của giáo viên. Câu chuyện tại Nhật Bản là một ví dụ. Hệ thống giáo dục mầm non của Nhật Bản được bắt đầu từ 0 tuổi đến 5 tuổi, tương đương với cách tính tuổi của Việt Nam là từ 1 tuổi đến 6 tuổi, với 2 hệ thống là, trông trẻ tối thiểu 4 tiếng/ngày và tối thiểu 8 tiếng/ngày. Giáo dục mầm non Nhật Bản đóng vai trò vừa giảm gánh nặng cho người mẹ, vừa là bậc học quan trọng hình thành nhân cách cho trẻ, nên giáo dục tại bậc này cũng hoàn toàn miễn phí, và rất được chú trọng.
Về giáo viên, giáo dục mẫu giáo gồm 2 nội dung quan trọng là giáo dục và chăm sóc trẻ, nên giáo viên bậc học này phải được cấp chứng chỉ tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.
2 Bộ cùng có trách nhiệm đối với giáo dục mầm non, khi Nhật Bản duy trì 2 hệ thống giáo dục là Yochien (trường mẫu giáo), trông trẻ tối thiểu 4 tiếng/ngày, do Bộ Giáo dục Nhật Bản quản lý; Hoikuen (trung tâm chăm sóc trẻ cả ngày), trông giữ trẻ tối thiểu 8 tiếng/ngày thuộc quản lý của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội.
Ngoài đảm bảo các cơ sở vật chất tốt nhất với không gian đủ rộng theo tiêu chuẩn, thì quy định rất chặt chẽ về số lượng trẻ/1 giáo viên, như lớp 0 tuổi (tương đương 1 tuổi tại Việt Nam), 1 giáo viên chỉ được trông 3 trẻ, lớp 1 tuổi tỉ lệ là 1-5, và tăng dần tới lớp từ 3 đến 5 tuổi, 1 cô được phụ trách 30 trẻ. Tỷ lệ này sẽ đảm bảo trông trẻ an toàn cho các lứa tuổi mẫu giáo.
Một số địa phương đông dân cư như Tokyo, giáo dục của Quận còn thuê thêm một số cơ sở tạm đảm bảo điều kiện vật chất, để tổ chức trông trẻ đang phải chờ đợi vì các trường mẫu giáo đã hết chỉ tiêu.
Có thể nói bậc giáo dục mẫu giáo tại Nhật Bản được đầu tư lớn về nguồn lực công, xuất phát từ chính sách giảm gành nặng cho người mẹ và thúc đẩy phụ nữ làm việc.
Quá tải hệ thống mầm non và bạo hành trẻ: Cần tháo gỡ từ đâu?
Hệ thống mầm non quá tải không phải là vấn đề riêng của địa phương nào. Khi cầu vượt cung quá nhiều thì chất lượng của bên cung (là các cơ sở nuôi dạy trẻ tư thục, tự phát) cũng chẳng phải là điều đáng quan tâm nhất. Lúc này có lẽ, chỉ cần có lớp, có người để gọi là cô giáo là được. Sau vụ việc bé 17 tháng tuổi tử vong vì cô giáo bạo hành, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã công bố các cơ sở giáo dục mầm non được cấp phép… nhưng liệu đã đủ?
Chuyện một cháu bé bị bạo hành dã man và bị cướp đi tính mạng là nỗi đau mới. Nhưng chẳng mấy lúc sẽ bị chìm lấp trong thời đại thông tin vì nó là việc cũ. Người ta sẽ lại tạm quên… nhưng rồi vẫn sẽ có nỗi đau mới kế tiếp nếu không có giải pháp để khắc phục.
PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!