Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (TNMT), địa phương này có dải ven biển kéo dài, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng cùng với triều cường, sóng lớn và gió bão; tình trạng xâm nhập mặn, xói lở xảy ra nhiều nơi. Biến đổi khí hậu đã từng gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với vùng ven bờ, bồi lấp luồng lạch các cửa sông, ven biển của tỉnh. Không những thế, BĐKH còn làm thay đổi lượng mưa, gia tăng nhiệt độ, có khả năng gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô, thiếu nước sạch cho tưới tiêu, sản xuất và sinh hoạt.
Khẩn trương ứng phó với tình trạng sạt lở bờ biển
Giải pháp trồng thêm rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu tại huyện Côn Đảo
Đáng lo ngại nhất là tình trạng xói lở bờ biển và nguy cơ ngập chìm vùng đất thấp ven bờ. Theo kịch bản BĐKH, đến năm 2050, nước biển sẽ dâng cao thêm 33 cm, theo quy luật động lực sóng, chiều rộng bãi biển cát bị xói lở sẽ là 330 m - 3300 m, có nghĩa là một phần lớn dải đất thấp ven bờ phía Đông của tỉnh, nơi tập trung cơ sở hạ tầng du lịch và nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản, nơi cư trú của hàng vạn hộ gia đình sẽ bị sóng phá hủy. Trong đó, vùng đất thấp dọc sông Thị Vải, nơi tập trung các khu công nghiệp của tỉnh thậm chí còn bị đe dọa trầm trọng hơn vì định vị trên vùng sụt hạ địa chất. Tình trạng xói lở, xâm thực đất liền trên địa bàn xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ biển trải dài từ TP Vũng Tàu đến Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) diễn biến rất phức tạp; hiện tượng xói lở, bồi lấp luồng lạch các cửa sông, ven biển ở TP Vũng Tàu, huyện Long Điền cũng thường xuyên diễn ra.
Để chủ động ứng phó với BĐKH, Sở TNMT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng kế hoạch ứng phó. Vừa qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 752/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 40 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển là hơn 48.618m.Trong đó, phần đất liền có 27 khu vực với tổng chiều dài bờ biển là 36.744m, bao gồm 5 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 8.492m thuộc địa bàn TP Vũng Tàu; 6 khu vực với tổng chiều dài 6.521m thuộc địa bàn huyện Long Điền; 6 khu vực với tổng chiều dài 4.579m thuộc địa bàn huyện Đất Đỏ và 10 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 17.151m thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc. Tại huyện đảo Côn Đảo có 13 khu vực với tổng chiều dài bờ biển là 11.874m phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, bao gồm: 5 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 2.476m thuộc khu vực Hòn Côn Sơn; 2 khu vực với tổng chiều dài 881m thuộc Hòn Cau; 3 khu vực với tổng chiều dài 5.552m thuộc Hòn Bảy Cạnh; 1 khu vực với tổng chiều dài 453m thuộc Hòn Tài; 1 khu vực với tổng chiều dài 1.887m thuộc Hòn Bà và 1 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 624m thuộc khu vực Hòn Tre Lớn.
Thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ, chống suy kiệt nguồn nước
Đoàn viên, thanh niên và các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường thu gom rác bảo vệ môi trường biển
Trước đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tỉnh thuộc tốp những địa phương dẫn đầu của cả nước trong hành động ứng phó biến đổi khí hậu một cách chủ động, hiệu quả; phát triển chủ yếu dựa vào kinh tế cacbon thấp, thân thiện với môi trường; hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng cùng các thành phần kinh tế và dựa vào hệ sinh thái có khả năng chống chịu linh hoạt, thích nghi cao trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ngập lụt đô thị. Trong đó, mục tiêu cụ thể là tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thông qua việc ưu tiên đầu tư, nâng cấp các công trình phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên; nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, tiên tiến trong thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh thích nghi trước những hiện tượng bất thường trong điều kiện thời tiết, khí tượng cực đoan. Giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với mục tiêu đến năm 2030, giảm 8% tổng lượng khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường…
Sở TNMT cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vùng cửa sông, ven biển như kiên quyết cấm khai thác cát tại khu vực cửa sông, ven biển, nhất là tại các khu vực thường xảy ra tình trạng sạt lở. Tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch đất các đô thị, khu vực dân cư nông thôn, đặc biệt là những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng của lũ lụt, sạt lở đất và nước biển dâng và kế hoạch phục hồi, phát triển mở rộng hệ sinh thái rừng ngập mặn bằng cách trồng thêm rừng ngập mặn ở những bãi bồi, vùng ngập nước ven biển Tân Thành, vùng ven thị xã Bà Rịa, TP Vũng Tàu, các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc.
Sở TNMT cũng phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức điều tra, đánh giá và khoanh định vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất để chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước. Với 4 hệ thống sông chính là sông Thị Vải, sông Dinh, sông Ray, sông Đu Đủ và 31 hồ chứa nước quy mô trung bình và nhỏ có chức năng cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ - tổng lượng nước được tích trữ trong các hồ đập là 308,2 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích khoảng 276,06 triệu m3 nhưng các nghiên cứu chỉ ra, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chớm chuyển sang trạng thái khô hạn. Các dòng sông cung cấp nước chủ yếu là những sông ngắn và có lưu vực nhỏ… Với tốc độ phát triển KT-XH ngày càng cao, địa phương này sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước bởi xu thế bán khô hạn vẫn tiếp tục gia tăng… Do đó, trong những năm qua, Sở TNMT cũng phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức điều tra, đánh giá và khoanh định vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất để chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước. Đồng thời thường xuyên vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước để theo dõi, giám sát nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, kịp thời đưa ra các cảnh báo để ứng phó, khắc phục việc ô nhiễm nguồn nước. Thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, tăng cường bảo vệ vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Bên cạnh đó, Sở TNMT cũng xây dựng kế hoạch ứng phó, trong đó, tập trung triển khai các dự án như: Dự án "Nâng cao nhận thức và kỹ năng của tuyên truyền viên về BĐKH của các tổ chức chính trị, xã hội"; Dự án "Đánh giá tác động của BĐKH đến vấn đề ngập lụt trên địa bàn tỉnh và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong vấn đề chống ngập và Lập bản đồ phân vùng nguy cơ ngập lụt do mưa"; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng cao… Tất cả những nỗ lực trên nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu COP26.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!