60 năm trước, vào ngày 26/12/1961, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký ban hành Quyết định số 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn với một ý nghĩa nhân văn sâu sắc "Vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp". Đây là quyết định mang tính chất hết sức quan trọng, đánh dấu cho những bước đi đầu tiên của công tác dân số và hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) trong cả nước.
Quyết định 216/CP cũng nêu rõ: "Các đoàn thể quần chúng, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên Lao động, Tổng Công đoàn và Bộ Y tế sẽ cùng nhau thảo luận chương trình hành động nhằm thực hiện tốt đẹp chủ trương trên". Như vậy công tác dân số - KHHGĐ ở nước ta thực sự là một cuộc vận động lớn, là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ nước cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định lấy ngày 26/12 hàng năm làm ngày Dân số Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác dân số nước ta chỉ thực sự đạt được kết quả như mong đợi sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (1993). Kể từ đó, hệ thống các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước được ban hành, cùng với sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, tham gia của các tầng lớp nhân dân, công tác dân số - KHHGĐ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Dân số và tỷ lệ gia tăng dân số ở Việt Nam, 1960-2020
Điểm lại 60 năm qua đã đạt những thành tựu quan trọng của công tác Dân số. Có thể nói, đây thực sự là một cuộc cách mạng trong sinh đẻ: từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên sang việc sinh đẻ mang tính chủ động, có kế hoạch. Từ việc mỗi phụ nữ Việt Nam trung bình có 6,3 con (năm 1960) đã giảm xuống 3,74 con năm 1992 và 2,09 con năm 2006, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) đề ra và duy trì vững chắc trong suốt 15 năm qua. Điều mà nhiều quốc gia đã rất nỗ lực nhưng chưa thực hiện được. Kết quả này đã hạn chế việc tăng thêm gần 20 triệu người trong những thập kỷ qua là tiền đề tiến tới ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI, tăng GDP bình quân đầu người, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.
Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. với nhóm dân số trong độ tuổi lao động rất lớn, tạo đà cho quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đất nước, chấn hưng dân tộc.
Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tăng thêm 33,7 tuổi, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73,7 tuổi năm 2020 cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tuổi thọ trung bình, 1989-2020
Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Những thành tựu của công tác dân số đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cơ hội học tập, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015 và tiến tới thực hiện thành công Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.
Những khó khăn, thách thức của công tác dân số hiện nay đã được Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ rõ: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
Tỷ số giới tính khi sinh theo giới tính của lần sinh trước (bé trai/100 bé gái), 2014-2019
Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thế lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người. Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.
Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở cấp cơ sở còn thấp. Chức năng, nhiệm vụ chưa được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dân số. Các nội dung về dân số trong phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho dân số, kế hoạch hóa gia đình còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!