3 ngày tiếp nhận 3 triệu liều vaccine COVID-19

SK&ĐS-Thứ năm, ngày 15/09/2022 10:20 GMT+7

Ảnh minh họa: SK&ĐS

VTV.vn - Theo Viện Vệ sinh dịch tễ TW, thêm 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer nữa đã về Việt Nam, như vậy chỉ trong 3 ngày có thêm 3 triệu liều bổ sung cho nhu cầu tiêm chủng.

3 ngày tiếp nhận 3 triệu liều vaccine COVID-19

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thêm 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer nữa tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên đã về đến Việt Nam, bổ sung thêm nguồn vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong bối cảnh ca mắc COVID-19 cũng như bệnh nhân nặng có dấu hiệu gia tăng.

Như vậy trong tuần từ 12/9 đến 14/9, Việt Nam đã tiếp nhận 3 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer (1,5 triệu liều đã tiếp nhận vào ngày 12/9 và 1,5 triệu liều đã tiếp nhận ngày 14/9). Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ cho các đơn vị, địa phương để đảm bảo việc triển khai tiêm mũi 3 cho cho người từ 12 tuổi trở lên, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ, đơn vị để tiếp nhận thêm vaccine cho các nhóm tuổi.

Tính đến ngày 14/9, cả nước đã tiêm 259.059.262 liều vaccine COVID-19 các loại cho người từ 5 tuổi trở lên, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt hơn 77%, mũi 4 đạt hơn 79% (đối với người trên 18 tuổi); còn đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi mới đạt 56,4%; đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đã tròn 5 tháng triển khai tiêm vaccine COVID-19, cả nước đã tiêm 16.261.388, trong đó mũi 1: 9.700.850 trẻ (đạt tỷ lệ 87,6%); Mũi 2: 6.560.538 trẻ (đạt tỷ lệ 59,2%).

3 ngày tiếp nhận 3 triệu liều vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi Ảnh: Trần Minh

Bộ Y tế nhận định tỷ lệ tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng đã tăng sau một thời gian chững lại nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu tại một số nơi, tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỷ lệ tiêm chủng vaccine nhất là cho trẻ em còn thấp. Do đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Bám sát tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới

Bộ Y tế cho biết, ngày 14/9 có 3.107 ca mắc mới COVID-19, giảm gần 200 ca so với ngày trước đó. Cũng trong ngày 14/9 có hơn 45.300 bệnh nhân khỏi, nhiều gấp 15 lần số mắc mới. Tuy nhiên sau vài ngày liên tục ghi nhận các ca tử vong, thì ngày 14/9 đã không có ca tử vong do COVID-19.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.448.034 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.691 ca nhiễm).

Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở VIệt Nam là 10.393.632 ca, trong số các bệnh nhân đang điều trị, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 125 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 111 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 6 ca ; thở máy không xâm lấn: 2 ca; thở máy xâm lấn: 6 ca.

Con số này có giảm nhẹ so với những ngày trước đó, tuy nhiên, qua thống kê của Bộ Y tế cho thấy, liên tiếp khoảng 2 tuần nay, số bệnh nhân nặng đang điều trị đều ở con số trên 100 ca, có ngày là 174 ca, trong khi hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 có thời điểm chỉ vài chục bệnh nhân nặng đang điều trị.

Theo Bộ Y tế, mặc dù tinh hình dịch bệnh ở VIệt Nam vẫn cơ bản được kiểm soát, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Các địa phương cũng cần theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; giám sát sự lưu hành của virus SARS-CoV-2 để phát hiện các biến thể và các biến thể phụ khác của virus; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước châu Âu coi trọng hội chứng COVID-19 kéo dài

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 615 triệu ca, trên 6,52 triệu ca tử vong. Biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Ngày 13/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Âu coi trọng hội chứng COVID kéo dài trong bối cảnh ít nhất 17 triệu người ở khu vực châu Âu đã trải qua hội chứng này trong 2 năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. WHO định nghĩa hội chứng COVID kéo dài là một loạt các triệu chứng trong thời gian dài mà một số người đã trải qua sau khi mắc COVID-19.

Những người mắc COVID-19 kéo dài có thể gặp các vấn đề về thể lực lẫn trí lực, với các triệu chứng xảy ra trong khoảng thời gian khác nhau, như mệt mỏi, khó thở, bất thường về tim mạch, chứng đau nửa đầu, não "sương mù", trầm cảm và lo lắng,...

Bộ trưởng Y tế Malaysia ngày 13/9 cho biết nước này đã đặt mua vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới từ hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và cơ chế đảm bảo tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước