Dự báo của Viện Khoa học lao động xã hội, sau khi tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, từ nay đến năm 2030, nước ta sẽ có thêm gần 20 ngàn việc làm mỗi năm, tập trung vào các ngành như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, tư vấn kỹ thuật, gỗ, may mặc... Đó là cú hích đầu tiên.
Cú hích thứ 2 là đến từ cách mạng công nghiệp 4.0. Và cú hích mạnh mẽ nhất là từ dịch covid-19. Cộng gộp những cú hích này, những lao động có thể linh hoạt ở nhiều vị trí, am hiểu, vận dụng thành thạo nhiều công nghệ mới, chính là xu hướng tuyển dụng được quan tâm nhất hiện nay.
Hơn 30 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên ở nước ta bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt cao điểm dịch vừa qua, từ mất việc, giãn việc cho đến giảm thu nhập. Không thể phủ nhận đó là khó khăn lớn, dẫn đến nhiều nguy cơ mất cân đối sản xuất. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về thị trường nhân lực, từ trong khó khăn, vẫn nhìn ra được không ít cơ hội để người lao động, nếu chịu khó rèn nghề, học thêm những kiến thức mới như ngoại ngữ, vi tính...thì hoàn toàn có thể trở thành những lao động đáp ứng được xu thế toàn cầu hóa.
Thị trường lao động Việt Nam có thể còn khập khiễng, mất cân đối giữa lao động giản đơn và lao động có tay nghề, thế nhưng 1 đặc tính nổi trội của thị trường lao động nước ta mà không nhiều nước khác có được, chính là sự cần cù, chấp nhận khó khăn, luôn thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đó sẽ là sức sống mãnh liệt giúp nền kinh tế chúng ta nhanh chóng phục hồi sau những thách thức khó khăn vừa qua./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!