Để bốc mía lên xe, nhiều thì cần đến chục lao động, ít thì cũng 7-8 người. Lần lượt bốc từng bó mía đưa lên xe, có nhanh thì cũng mất từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Chậm là một chuyện nhưng nỗi lo lớn hơn chính là lúc này ở vùng quê, không dễ tìm đủ công thu hoạch, bốc vác mía. Nỗi lo đó, phần nào đã giảm bớt đối với nông hộ ông Dũng ở xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Vụ mía này, khi thu hoạch xong, bốc mía lên xe tải, ông không cần thuê chục nhân công như trước. Chiếc máy "tay bốc mía siêu to" đã thay thế.
Nông dân gọi cái máy này như bàn tay siêu to, bốc mía lên xe nhanh và gọn. Điều mà nông dân ưng ý chính là tính cơ động của máy bốc mía, giờ giấc nào cũng có thể hoạt động được, chẳng như trước đây, phải chờ đợi đủ nhân công mới tiến hành bốc mía. Ở vùng nguyên liệu mía Ninh Tân - một trong những nơi trồng nhiều mía ở Khánh Hòa, hiện tại có 2 xe bốc mía đi vào hoạt động.
Diện tích trồng mía trên cả nước khoảng 270.000ha , gắn liền với sinh kế của 35.000 nông hộ. Để nông dân trồng mía có lãi, bên cạnh yêu cầu bức bách nâng năng suất, chất lượng mía thì phải giảm chi phí thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa.
Vào lúc này, khó khăn chất chồng đối với người trồng mía. Thậm chí, nhiều người tính đến chuyện từ bỏ cây mía. Cơ giới hóa, giúp nông dân giảm chi phí cũng chính là cách để nông dân giữ ổn định vùng nguyên liệu mía đã quy hoạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!