Hậu Giang là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích hơn 8.100 hecta. Thế nhưng, bỏ cây mía cũng đang là quyết định của nhiều nông dân sau nhiều năm thua lỗ, nợ nần. Tuy nhiên sẽ vẫn còn nhiều bà con tiếp tục gắn bó với loại cây công nghiệp này, ít nhất là trong vài năm nữa. Và như vậy, vẫn cần có những giải pháp hiệu quả để đảm bảo người nông dân sẽ sống được với cây mía.
Theo anh Nguyễn Thành Nguyên ở xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp, Hậu Giang: "Mình trồng hổng được mình phải tiếc. Nhưng mình lỗ hoài rồi làm sao sống được. Giờ đi làm mướn một ngày vài trăm ngàn còn sống được. Còn cái này 8, 9 tháng rồi lỗ. Nói chung cây mía cũng phải giáp năm mà nó lỗ liên tục hai ba năm vậy thì đâu còn ai mặn mà gì nổi". Đó là những lý do và nỗi lòng của nhiều nông dân Hậu Giang khi quyết định từ bỏ cây mía. Năm 2019 này, đã có hơn 2.000 hecta đất trồng mía chuyển sang cây trồng khác hoặc bỏ trống. Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ thì đã đến lúc bà con nông dân Hậu Giang nên mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vì nhiều lý do chứ không riêng chuyện thua lỗ.
Theo dự kiến, đến năm 2025 tỉnh Hậu Giang chỉ còn lại khoảng 3.500 hecta mía. Ngành nông nghiệp tỉnh này đang tính đến nhiều giải pháp thúc đẩy liên kết tiêu thụ, nâng cao hiệu quả canh tác cho bà con nông dân.
Mỗi năm chỉ có một vụ mía, điều nông dân mong mỏi nhất chính là giá bán. Tuy nhiên, hiện chỉ khoảng 50% diện tích trồng mía được ký kết bao tiêu, còn lại vẫn bấp bênh. Mong mỏi của người trồng mía là vậy, còn theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế thì đã đến lúc nên từ bỏ cây mía vì với công nghệ lạc hậu và chi phí sản xuất quá cao như hiện nay, đường nội khó lòng cạnh tranh với đường ngoại. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, tại một số vùng trồng mía khác như Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng, hay Thới Bình của tỉnh Cà Mau, bà con nông dân đều đang chuyển đổi cây trồng để có cuộc sống ổn định hơn./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!