Theo các chuyên gia, việc thực hành trách nhiệm xã hội trong ngành thủy sản đã có từ chục năm trước, nhưng thể hiện rõ nhất trong các hiệp định thương mại tự do gần đây. Công tác chăm lo đời sống, an sinh cho người lao động là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá việc thực hành trách nhiệm xã hội. Việc đầu tư những bếp ăn miễn phí cho người lao động đặt ngay tại doanh nghiệp là một ví dụ.
Không chỉ hỗ trợ từng bữa ăn, doanh nghiệp tại đây còn chăm lo cho đến từng giấc ngủ của người lao động. Do đặc thù sản xuất tôm giống phải kiểm tra, cho ăn thường xuyên kể cả ban đêm, các cán bộ kỹ thuật phải ngủ ở trại. Được công ty bố trí nơi nghỉ ngơi, đặc biệt sắp xếp ca trực luân phiên, các lao động không phải thức trắng đêm, nhờ vậy sức khỏe được đảm bảo.
Việc thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động cũng là yếu tố quan trọng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội không chỉ dừng lại việc chăm lo tốt cho người lao động mà còn là hành động tích cực bảo vệ môi trường vì cộng đồng. Sản xuất tôm là hoạt động dễ gây ô nhiễm môi trường. Nhận thức được điều đó, trong từng khâu sản xuất, doanh nghiệp luôn quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng, ứng dụng các giải pháp hiện đại với mục tiêu không gây tổn hại đến môi trường xung quanh.
Có thể thấy, việc chăm lo tốt cho người lao động, tích cực bảo vệ môi trường không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội để đáp ứng yêu cầu từ các nước nhập khẩu thủy sản đặt ra, đây còn là xu hướng bắt buộc. Việc làm này thể hiện văn hóa doanh nghiệp, yếu tố cốt lõi cho mọi sự phát triển bền vững mà ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung phải quan tâm, thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!