Hiện nay, hạn chế về hạ tầng giao thông đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất, cản trở sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong vài năm tới, thực trạng này sẽ có sự thay đổi rất lớn khi mà hàng loạt tuyến cao tốc và nhiều công trình giao thông trọng điểm khác sẽ được triển khai như tuyến cao tốc đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận đã được bố trí bố trí hơn 2 ngàn 100 tỉ đồng, thi công xuyên lễ tết, dự kiến thông xe kỹ thuật trong năm 2020 và khánh thành vào năm 2021.
Bộ tiếp tục triển khai tuyến cao tốc đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ và phấn đấu đưa vào hoạt động năm 2022. Bên cạnh đó cũng sẽ có khoảng 1.000 km đường được thảm nhựa và thêm một số đường cao tốc khác được đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang nghiên cứu hình thành tuyến đường sắt từ thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Cần Thơ, đẩy mạnh xúc tiến phát triển sân bay Cần Thơ, cố gắng hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đồng thời phát huy lợi thế giao thông đường thủy để đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng.
Hiện nay 70% hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long phải trung chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh, khiến chi phí tăng cao. Do vậy, cảng Trần Đề ở Sóc Trăng cũng sẽ được quy hoạch trở thành một trong 3 cảng biển lớn nhất cả nước, có thể tiếp nhận tàu từ 80.000 đến 100.000 tấn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!