Việt Nam là một trong 5 quốc gia tạo ra tín chỉ carbon hàng đầu thế giới. Mới đây, Ngân hàng thế giới chi 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng) để mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 2018 - 2024 là một tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho Việt Nam.
Để tham gia thị trường carbon thế giới, từ năm 2018, tỉnh Quảng Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế để xây dựng đề án phát triển rừng bền vững. Tháng 5 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Với hơn nửa triệu héc ta rừng nguyên sinh, tạo ra hơn một triệu tín chỉ carbon, mỗi năm, Quảng Nam có thể thu hơn 130 tỷ đồng. Các địa phương có rừng dài cổ chờ nguồn thu từ đề án bán tín chỉ carbon suốt nhiều năm nay.
Nguyên nhân vì sao từ đơn vị được chọn là thí điểm bán tín chỉ carbon nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa hoàn thiện, trong khi đó, các địa phương khác đã giao dịch thành công? Theo tìm hiểu của phóng viên, Hồ sơ tín chỉ của tỉnh Quảng Nam xây dựng từ năm 2018 không đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật và phiên bản mới nhất và tiêu chuẩn mới để trình Tổ chức Verra xác minh, phát hành tín chỉ. Muốn được công nhận phải tổ chức đấu thầu, tìm đơn vị tư vấn mới để xây dựng hồ sơ mới.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon rừng không thuộc đối tượng áp dụng theo quy định của Luật Đấu thầu 2023 và các quy định về lĩnh vực lâm nghiệp hiện hành. Do đó đến thời điểm này, hồ sơ tín chỉ carbon rừng từ REDD tỉnh Quảng Nam vẫn chưa hoàn thiện và chưa thể giao dịch ra thị trường thế giới. Từ một tỉnh đi trước về xây dựng hồ sơ thí điểm bán tín chỉ carbon, đến nay, Quảng Nam về sau trong lĩnh vực này. Điều này cũng đồng nghĩa, mỗi năm, tỉnh Quảng Nam đã thất thu hàng trăm tỷ đồng từ bán không khí thu kinh phí.
Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất trong khu vực. Tỉnh này cũng là địa phương đi đầu trong việc bảo vệ rừng, trung bình mỗi năm, tỉnh này thu về hơn 200 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nếu có thêm nguồn thu từ bán tín chỉ carbon, sau 10 năm nữa, diện tích rừng tự nhiên của Quảng Nam sẽ tăng thêm 20%. Địa phương này sẽ phục hồi và làm giàu rừng đạt khoảng 7 triệu mét khối gỗ và giảm phát thải khoảng 14 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!