Kể từ khi ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu rút "thẻ vàng" cảnh báo về khai thác hải sản bất hợp pháp từ tháng 10 năm ngoái, Bộ NN & PTNT đã khẩn trương tham mưu cho Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ ‘thẻ vàng" và coi đó nhiệm vụ trọng tâm để hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu đi vào quy củ, phù hợp với quy ước của quốc tế. Đặc biệt, 9 khuyến nghị của EC đã được đưa vào Luật Thuỷ sản (sửa đổi), đây là nỗ lực rất cao để hình thành khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, 6 tháng qua, dù ghi nhận nhiều nỗ lực của Việt Nam, đoàn thanh tra EC cho rằng tình hình thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp tại các địa phương còn chưa được cải thiện đáng kể. Đó cũng là lý do mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh thành phố về một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo củaUỷ Ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Hội nghị đã cung cấp thông tin về kết quả đợt kiểm tra của đoàn thanh tra EC tới 28 tỉnh thành có hiện tượng khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Theo đó, công tác thực thi pháp luật tại địa phương chưa đáp ứng được khuyến cáo về khai thác thuỷ sản bền vững, có trách nhiệm mà EC đưa ra. Từ tháng 10/2017 đến nay, vẫn còn 44 vụ/75 tàu/482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Chưa kiểm soát được hoàn toàn tàu cá ra vào cảng. Việc chứng nhận, xác nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác không đảm bảo tính tin cậy của thông tin xác nhận, chứng nhận, chưa kiểm soát được sản phẩm khai thác thủy sản khai báo trên giấy tờ so với thực tế.
Trước đó, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng "thẻ vàng" đối với sản phẩm hải sản xuất khẩucủa Việt Nam vào thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018) để khắc phục tình trạng thủy sản đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý. Sau 6 tháng, nhận thấy tình hình chưa được cải thiện đáng kể, EC quyết định gia hạn thêm thời gian đến tháng 1/2019 để Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp.
Một trong những nguyên do mà EC nhận thấy chưa thể tháo gỡ "thẻ vàng" là do kiểm soát đánh bắt và truy xuất nguồn gốc khai thác tại các địa phương còn nhiều lỗ hổng. Việc ngư dân cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình chính là một trong những lỗ hổng cần phải khắc phục trước tiên. Việt Nam có khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh. Đây là con số rất ít ỏi. Nhưng điều đáng nói hơn là mặc dù 3.000 tàu được lắp định vị nhưng số lượng tàu bật định vị 24/24 trên ngư trường rất ít. Sắp tới đây, khi Luật Thủy sản mới có hiệu lực, việc không bật thiết bị định vị sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Đây là cơ sở để các đơn vị thực thi pháp luật hiệu quả hơn và ngư dân cũng phải tuân thủ các quy định khi khai thác thủy sản xa bờ. Bởi chỉ khi tuân thủ các quy định thì nghề cá mới có thể chuyển biến theo hướng có trách nhiệm.
Nhiều địa phương song song với tăng cường tuyên truyền cũng đang xây dựng chuỗi liên kết khai thác - tiêu thụ hải sản, vừa để hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản vừa để giám sát chặt chẽ hơn những trường hợp ngư dân khai thác bất hợp pháp.
Những giải pháp nói trên đều là giải pháp cấp bách vì thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Được biết tháng 10 tới đây, đoàn nghị viện Châu Âu sẽ sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác IUU tại Việt Nam. Tháng 1/2019, đoàn thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu về chống đánh bắt, khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Và nếu Việt Nam vẫn chưa thể tháo gỡ thẻ vàng, ngành xuất khẩu thế mạnh của nước ta sẽ còn chịu nhiều ảnh hưởng. Bởi lẽ kể từ tháng 10 năm ngoái, thẻ vàng của EC đã kéo thị trường châu Âu từ vị trí là nhà tiêu thụ thủy sản số 1 của Việt Nam trong năm 2017 xuống thứ 4 trong 6 tháng đầu năm 2018. Nếu như năm 2017, EU vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt gần 1,46 tỉ USD, tăng 22% so với năm 2016 thì đến hết tháng 6/2018, xuất khẩu thủy sản vào EU chỉ đạt 584 triệu USD, đứng thứ 4 trong nhóm các thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Để những con số trên được cải thiện hướng tích cực, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa đề nghị 4 nhóm giải pháp phải khẩn cấp thực hiện để có thể nhanh chóng tháo gỡ thẻ vàng thuỷ sản. Ngoài việc hoàn thiện nghị định hướng dẫn thi hành luật Thuỷ sản, Bộ đề nghị thiết lập cơ chế chỉ đạo điều hành thống nhất từ trung ương tới địa phương về phòng chống đánh bắt trái phép. Tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng và trên biển để xử lý nghiêm các tàu cá có hành vi khai thác vi phạm. Có như thế mới xây dựng được nghề khai thác biển, rộng hơn là kinh tế biển một cách bền vững, đúng tiềm năng lợi thế của Việt Nam.