Theo Báo cáo của Ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực trạng nhà trẻ mẫu giáo trong các khu công nghiệp hiện nay, trong hơn 10 triệu lượt nhân công đang làm việc trong các khu công nghiệp, có gần 70% là lao động nữ. Đa phần lao động nữ có con trong độ tuổi mầm non, nhà trẻ chiếm gần 60%. Do đó, vấn đề nhà trẻ mẫu giáo tại các khu công nghiệp hiện nay đang được quan tâm.
Trước thực tế này, cách đây 3 năm, Chính phủ đã ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020", gọi tắt là Đề án 404. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng. Song, thực tế trên cả nước đến nay vẫn chưa có khu công nghiệp nào triển khai được.
Số liệu từ Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), năm học 2016-2017, cả nước tăng 354 trường và 11.318 nhóm, lớp; trong đó tăng nhiều là nhóm trường mầm non ngoài công lập. Doanh nghiệp không thể lo được chỗ gửi trẻ cho công nhân, còn ngành giáo dục cũng khó có thể "chạy" kịp nhu cầu nên công nhân không có sự lựa chọn nào khác ngoài trông chờ vào nhóm trẻ tư thục, bất chấp những rủi ro mô hình này mang lại.