Hôm nay (18/9), mối quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiến thêm một nấc thang nữa, khi lần đầu tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ bắt đầu chuyến thăm Bình Nhưỡng và có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ttại thủ đô Bình Nhưỡng. Chuyến thăm 3 ngày của ông Moon là chuyến thăm thứ 3 của một Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng từ khi hai miền Triều Tiên chia cắt. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên và Mỹ đang gặp phải những vướng mắc trong ngoại giao khi việc thực hiện các thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân bị chững lại. Chúng ta cùng nhìn lại một số mốc quan trọng của sự kiện này.
Ngày 27/4, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc gặp lịch sử tại Nhà Hòa bình thuộc khu phi quân sự ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Hội nghị liên Triều đầu tiên trong năm nay đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên tới Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh Hàn Quốc năm 1953, và là bước tiến mới nhất trong chính sách ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên sau một năm 2017 đầy biến động. Kết thúc hội đàm, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã ký Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, trong đó cam kết ngừng mọi hành động thù địch chống phá lẫn nhau, đồng thời sẽ ra tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay.
Gần 1 tháng sau, vào ngày 26/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Bàn Môn Điếm thuộc Khu phi quân sự liên Triều. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh các bên nỗ lực sắp xếp lại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thẳng thắn quan điểm của họ để thực hiện Tuyên bố Bàn Môn Điếm, đồng thời nhất trí cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ vào ngày 12-6 phải được diễn ra thành công
Hai cuộc gặp trước đó giữa Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã diễn ra cực kì thành công. Nhưng sứ mệnh của cuộc thứ 3 này rất khác. Chuyến thăm Triều Tiên vào ngày mai của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh dấu chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên và cho thấy tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai bên vẫn được tiếp đà và duy trì định hướng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia phân tích Hội nghị thượng đỉnh lần 3 sẽ đặt ra những thách thức mới cho Tổng thống Moon, trong bối cảnh ông đang tìm cách phá vỡ thế bế tắc hiện hữu trong các đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ.
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Seoul, Chánh văn phòng Phủ tổng thống Hàn Quốc Im Jong-seok cho biết, cuộc gặp lần này sẽ đánh dấu cơ hội hiếm có để thảo luận trực tiếp vấn đề phi hạt nhân hóa với Nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tuy nhiên, tình trạng bế tắc trong tiến trình thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đang tạo ra nhiều trở lực. Thế bế tắc này bắt nguồn từ những bất đồng trong các bước đi tiếp theo của tiến trình phi hạt nhân hóa sau thỏa thuận giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 ở Singapore. Vì thế, tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In phải đối mặt với thử thách khó nhằn nhất cho đến nay: đó là mang đến thứ gì đó thực chất hơn những tuyên bố mơ hồ về vấn đề phi hạt nhân hóa và đưa đàm phán Mỹ - Triều đi đúng hướng.
Những kết quả từ các cuộc gặp đầu tiên có ý nghĩa rất đáng khích lệ nhưng trong thực chất vẫn chưa có được tác động cơ bản đưa lại bước chuyển giai đoạn thật sự cho mối quan hệ song phương giữa 2 miền Triều Tiên. Bởi thế, cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào hôm nay được gửi gắm những kỳ vọng rất lớn.
Còn nhớ vào tháng 5 vừa qua, ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ngay lập tức gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và kết quả đem lại là đàm phán Triều– Mỹ đã diễn đúng lộ trình. Đây là lý do dư luận hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba vào ngày hôm nay sẽ tạo cơ hội tháo gỡ những vướng mắc, khai thông bế tắc để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa, hướng tới thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.