Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu hút tổng cộng được 151 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 72.300 tỷ đồng; trong đó có 36 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 31.200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các dự án có vốn đầu tư lớn đã được cấp phép đầu tư và đang được triển khai gồm: Tập đoàn Banya Tree vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng đầu tư dự án Laguna - Lăng Cô với tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD, trong đó được phép đầu tư Casino; Nhà máy điện mặt trời của Công ty cổ phần Đầu tư Đoàn Sơn Thủy có vốn đầu tư 1.150 tỷ đồng.
Trước khi được cấp phép mở rộng, Tập đoàn Banyan Tree đã có tổng mức đầu tư 875 triệu USD. Nằm trong khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, giai đoạn I của dự án do Tập đoàn Banyan Tree đầu tư bao gồm khách sạn Angsana Lăng Cô với 229 phòng, khu biệt thự Banyan Tree Residences có 57 căn và sân golf 18 lỗ với số vốn đầu gần 300 triệu USD đã đi vào hoạt động. Theo đề xuất của chủ đầu tư, hoạt động kinh doanh casino chiếm diện tích 2,64ha với vốn đầu tư dự kiến 250 triệu USD.
Các hạng mục đầu tư thêm (ngoài kinh doanh casino) của Tập đoàn Banyan Tree so với quy mô cũ gồm khách sạn tăng từ 2.180 phòng lên 3.178 phòng; biệt thự tăng từ 1.180 căn lên 2.253 căn. Hiện tại, nhà đầu tư đang tiếp tục triển khai các hạng mục để đến năm 2021 sẽ đưa vào khai thác khu dịch vụ giải trí tổng hợp có casino dành cho người nước ngoài. Nhà đầu tư dự kiến phân kỳ kinh doanh casino theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I gồm 500 máy trò chơi điện tử có thưởng và 50 bàn chia bài tay.
Ngoài ra, các dự án đầu tư nước ngoài khác tại Thừa Thiên - Huế phần lớn tập trung các lĩnh vực sản xuất xi măng, bia rượu, khai khoáng, vận tải, may mặc, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng...; ít có các dự án tập trung vào các ngành sản xuất nông - lâm nghiệp và chế biến nông - lâm thủy sản. Đáng chú ý, du lịch luôn là một thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên - Huế và cũng là lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh nhất hiện nay.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư như: tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực xã hội; trong đó, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế, đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; tập trung khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển.
Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên - Huế củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề tạo hợp lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện chương trình trọng điểm phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp trong năm 2018, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng toàn tỉnh; nâng cao năng lực phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tích cực đổi mới và cơ cấu lại hệ thống dạy nghề, đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động; vừa đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; trong đó, tỉnh phấn đấu có 50% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên; 100% thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; đảm bảo mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt trên 80%.../.