TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Thừa Thiên Huế khẩn cấp xử lý các điểm di tích bị sạt lở nặng

Mỹ Nga, Bảo AnhCập nhật 20:12 ngày 12/10/2023

VTV.vn - Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung xử lý các điểm di tích bị sạt lở nặng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại đến các công trình kiến trúc cũng như các hoạt động văn hóa du lịch.

Tại Thừa Thiên Huế, trước ảnh hưởng của các đợt mưa lớn vừa qua, bên cạnh nhiều điểm di tích nằm ven sông Hương thường chịu sự tác động đe dọa nặng nề của ngập lụt, gió bão thì một số di tích có tình trạng sạt lở nghiêm trọng đã được công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp. 

Trước ảnh hưởng của những đợt mưa lớn thời gian vừa qua, nhiều vị trí tại di tích điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) xảy ra sạt trượt nặng. Hiện nay các đơn vị đã có các giải pháp khẩn cấp gia cố tạm thời nhưng do nằm sát chân núi có địa hình phức tạp nên tình trạng sạt lở, trượt đất đá vẫn tiếp tục xảy ra. Di tích Điện Huệ Nam có vị trí nằm sát bờ sông Hương, tựa lưng vào núi Ngọc Trản trên địa bàn xã Hương Thọ, thành phố Huế. Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở một số vị trí, đặc biệt ở khu vực tiếp giáp gần với vách núi dựng đứng, có rất nhiều tảng đá lăn, đá lở, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp, yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục. Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai giằng néo, dùng rọ thép để giữ cố định hệ thống cây xanh, đồng thời gia cố bằng dây cáp rồi néo ngược lên phía trên núi để giữ cho đất đá khỏi rơi và tránh tình trạng sạt lở lớn.

Tương tự, khu vực vườn ươm cạnh Lăng Cơ Thánh, xã Thủy Bằng, thành phố Huế cũng đang đối diện với tình trạng sạt trượt nghiêm trọng. Vừa qua tại khu vực này cũng đã được xây dựng một hệ thống kè dài 20m, cao 1,5m để hạn chế tối đa thiệt hại khi có sạt trượt đất đá. Trước đó, khu vực này từng xảy ra sạt lở, cuốn trôi đất đá ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của công trình cũng như sự an toàn của người dân.

Hệ thống Quần thể Di tích cố đô Huế hiện nay có gần 1000 di tích trong đó nhiều điểm di tích nằm ven sông Hương thường chịu sự tác động của ngập lụt, gió bão như: Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Cung An Định, lầu Tàng Thơ…Làm thế nào để đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ nguyên trạng các công trình di tích và áp lực sạt lở ngày càng gia tăng? Đây là bài toán khó đặt ra đối với tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhất là khi trong nhiều năm trở lại đây, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khó lường. Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, lở núi xảy ra ngày càng nhiều hơn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nghĩa tình mái ấm quân dân nơi biên giới

VTV.vn- Năm qua, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã xây dựng, bàn giao hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội và nhà đại đoàn kết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới.