TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tây Nguyên định hướng xuất khẩu vải chín sớm

Ngọc Thúy, Nguyễn HùngCập nhật 15:45 ngày 20/05/2024

VTV.vn - Với lợi thế chín sớm hơn từ 1 tháng đến một tháng rưỡi so với vải các tỉnh phía Bắc, nên vải ở Tây Nguyên những năm qua không lo cạnh tranh đầu ra và đang được định hướng.

Ngoài gọi là vùng đất thủ phủ của cà phê hay hồ tiêu, nnhiều năm qua, Tây Nguyên còn nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho bà con nông dân. Trong đó cây vải đang trở thành một lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân. Nhờ sự học hỏi, tìm tòi cách chăm sóc của nông dân, đến nay cây vải đã được định hình và phát triển trên vùng đất này.

Bà con nông dân huyện Ea Kar - vùng trồng vải trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk - đang tất bật vào mùa thu hoạch cao điểm. Năm nay khô hạn kéo dài, năng suất vải giảm khoảng 30% nhưng giá bán gấp đôi năm ngoái (khoảng 60 nghìn đồng/kg). Sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu lãi 300 triệu đồng/ha.

Cây vải bén duyên với vùng đất Tây Nguyên từ khoảng 20 năm trước, các giống vải: U Hồng, U thâm, U trứng… được thị trường rất ưa chuộng. Đặc biệt, ngày càng có nhiều hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng trong vùng được cấp mã vùng trồng, nên không chỉ tiêu thụ trong nước, vải Tây Nguyên đang được định hướng xuất khẩu dài lâu.

Nhờ lợi thế chín sớm hơn so với vải các tỉnh phía Bắc giúp quả vải trên địa bàn Tây Nguyên dễ dàng tiêu thụ, giá cả ổn định, góp phần hiệu quả trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nâng cao thu nhập của người dân. Tuy nhiên, ngành chức năng khuyến cáo người dân thận trọng khi mở rộng diện tích trồng mới; chú trọng thâm canh các vườn vải đang cho năng suất ổn định, không đầu tư vào những vùng kém hiệu quả; đồng thời chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!