Sau Quảng Nam, Quảng Ngãi là địa phương ở miền Trung thực hiện đề án sắp xếp dân cư trên diện rộng tại địa bàn miền núi để thích ứng biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai. Nhiều ngôi làng đã được bình yên sau những đợt mưa lớn, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đã khá hơn. Hiệu quả từ việc sắp xếp dân cư phòng tránh thiên tai tại Quảng Ngãi rất rõ ràng. Tại địa bàn 5 huyện miền núi của Quảng Ngãi có hơn 1.800 hộ với trên 7.300 nhân khẩu đang sinh sống ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Tuy nhiên, địa phương này đang gặp khó khăn do quỹ đất tái định cư thiếu. Để xây dựng một khu tái định cư cho vài chục hộ gia đình cũng cần cả chục tỷ đồng.
Theo Nghị 88 của Quốc hội, đến năm 2025, các địa phương như Quảng Ngãi sẽ quy hoạch, sắp xếp di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Khảo sát mới nhất, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 160 điểm có nguy cơ sạt lở tại 5 huyện miền núi, nếu mưa lũ phức tạp, số hộ gia đình cần di dời là rất lớn. Vì vậy, triển khai theo Nghị quyết 88 của Quốc hội rất khó khăn. Về lâu dài, tỉnh Quảng Ngãi sẽ ưu tiên nguồn lực, quy hoạch, sắp xếp lại dân cư lồng ghép với chương trình xóa nhà tạm cho bà con đồng bào dân tộc miền núi gặp khó khăn. Ngoài ra, thiếu vốn và quỹ đất sản xuất để bà con tái định cư cũng là trở ngại lớn khi triển khai các đề án sắp xếp dân cư miền núi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!