Là tài nguyên không thể tái sinh, cát trắng là khoáng sản quý hiếm, được xem như "vàng trắng". Tại tỉnh Quảng Nam – địa phương có trữ lượng cát trắng lớn nhất miền Trung hiện có rất nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trắng để xuất khẩu. Ngay tại mỏ cát Hương An nằm giữa 2 huyện Thăng Bình và Quế Sơn, 20 năm nay, Công ty cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (gọi tắt là MINCO) đã khai thác trên diện tích hơn 60 héc ta, xuất khẩu gần 2 triệu tấn cát thành phẩm nhưng lại nợ các nghĩa vụ tài chính hàng chục tỷ đồng. Không chỉ nợ tiền tỷ, nguy cơ thất thoát ngân sách, việc khai thác cát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của nông dân vốn chỉ sống dựa vào nông nghiệp.
Để giải thủy những hồ nước khổng lồ, Công ty cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam đã đào nhiều kênh mương thoát nước rất sâu. Hàng ngàn khối nước từ các hồ khai thác cát chảy ra gây bồi lấp ruộng vườn và cả hoa màu của nông dân ở khu vực thấp trũng. Cứ đến mùa mưa, nông dân quanh các mỏ cát lại đắp đê, ngăn nước bảo vệ hoa màu. Chỉ sau vài cơn mưa lớn, toàn bộ rau vụ đông nằm ở khu vực cuối kênh thoát nước của mỏ cát sẽ bị nhấn chìm. Người dân cho rằng, khai thác cát là nguyên nhân gây khô hạn ở trên cao, gây ngập úng ở dưới thấp.
Hiện tại có hơn 22 héc ta khu vực mỏ chưa được Công ty cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam hoàn thổ, phục hồi môi trường. Trước bức xúc của người dân, mới đây, đơn vị này đã hỗ trợ 630 triệu đồng cho nông dân xã Bình Giang bị ảnh hưởng sản xuất. Tuy nhiên, chính quyền huyện Thăng Bình liên tục yêu cầu doanh nghiệp khai thác cát sớm hoàn thổ để nông dân khôi phục sản xuất hoa màu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!