TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Quản lý dịch vụ thanh toán điện tử

Ngọc Bích (VTV8)Cập nhật 16:37 ngày 05/11/2018

VTV.vn -Chỉ cần smartphone, internet, phần mềm hỗ trợ, các giao dịch mua bán sẽ thực hiện mọi lúc mọi nơi. Song điều này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà quản lý.

Chỉ cần có tài khoản của các ứng dụng Alipay, hay WeChatPay trên smartphone có kết nối internet, việc thanh toán giữa người mua và người bán có thể diễn ra bất cứ lúc nào, bất cứ đâu. Các giao dịch này diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lại không thông qua hệ thống Cổng Thanh toán nhà nước hay các ngân hàng hay trung gian thanh toán của Việt Nam, do vậy không chỉ gây thất thu về thuế mà còn vi phạm các quy định về an ninh tiền tệ, khi mà cơ quan quản lý Việt Nam không thể kiểm soát được dữ liệu giao dịch.

Nhằm chấn chỉnh dịch vụ thanh toán điện tử từ Việt Nam ra nước ngoài gây thất thu thuế, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Bộ TT&TT và Cục An toàn thông tin yêu cầu chặn cổng dịch vụ thanh toán trực tiếp nước ngoài từ Việt Nam.

Trong khi đó, nếu người mua và người bán sử dụng công cụ trung gian như Ví điện tử VIMO, một trong những công cụ thanh toán điện tử do doanh nghiệp Việt Nam phát triển, các giao dịch của khách hàng đều quy đổi bằng tiền Việt Nam đồng và kiểm soát tại Ngân hàng của Việt Nam thông qua tài khoản ví VIMO, vừa tuân thủ các quy định pháp luật, mà vẫn tiện lợi.

Vì vậy, nếu chặn cổng "Common Port" của các dịch vụ thanh toán nước ngoài từ Việt Nam như đề xuất của Đà Nẵng, những thanh toán hợp pháp thông qua VIMO cũng sẽ bị chặn, gây bất lợi cho du khách quốc tế khi mua sắm tại Việt Nam.

Cở sở nào để Đà Nẵng đưa ra đề xuất này, giải pháp mang tính kỹ thuật khả thi đến đâu, có ảnh hưởng gì đến hoạt động thanh toán trực tuyến nói chung và quyền lợi của người dùng hay không là những nội dung của mục tiêu điểm hôm nay. Trước tiên, mời quý vị theo dõi ghi nhận  về thực trạng việc thanh toán điện tử từ Việt Nam ra nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Mỗi năm một lượng tiền trị giá khoảng 33 tỷ đô-la Mỹ ở Việt Nam, bị chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài. Trong số này, ngoài lượng tiền do tham nhũng, buôn lậu hoặc rửa tiền thì còn có 1 lượng tiền không nhỏ bị chuyển ra nước ngoài tông qua các giao dịch thanh toán điện tử trái phép.

Vấn đề này đặt ra đòi hỏi hết sức cấp bách trong quản lý thanh toán điện tử, nhất là khi xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng sử dụng máy quẹt thẻ POS hoặc mã phản hồi nhanh QR-code với sự hỗ trợ của các công cụ phát hành ở nước ngoài, giao dịch trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhưng quản lý thế nào để vừa đảm bảo an ninh tiền tệ, hạn chế thất thu thuế mà không đi ngược lại xu thế kết nối vạn vật của thời đại công nghệ 4.0 lại không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi một Khuôn khổ pháp lý hoàn thiện cùng với giải pháp kỹ thuật phù hợp.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa đó là dù cho AliPay hay WeChatPay có liên kết với các tổ chức thanh toán của Việt Nam để khách hàng của họ có thể sử dụng hợp pháp  tại Việt Nam thì dòng tiền vẫn lưu thông thẳng ra nước ngoài trước khi quay về Việt Nam. Hơn nữa, nếu không quản lý chặt tại các điểm giao dịch, người mua và người bán vẫn có thể bắt tay nhau dùng các ứng dụng thanh toán trực tiếp mà không cần qua trung gia thanh toán tại Việt Nam. 

Đây rõ ràng là các vấn đề mà các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm các nước để đề xuất các biện pháp quản lý hiệu quả đối với hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua máy quẹt thẻ POS, và các ví điện tử phổ biến đối với khách du lịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Chống thất thu tài nguyên khoáng sản

VTV.vn- Sau một thời gian quản lý lỏng lẻo, hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã tăng cường công tác giám sát khai thác khoáng sản nhằm tránh thất thoát tài sản của quốc gia.