Theo người dân địa phương, khoảnh 2, 3 thuộc tiểu khu 529 xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức chỉ là một trong những vị trí xảy ra tình trạng phá rừng để trồng rừng. Tình trạng phá rừng lấy gỗ rồi trồng rừng sản xuất đang diễn ra rất phức tạp. Việc trồng xen cây keo vào rừng tự nhiên khiến lực lượng kiểm lâm không thể phát hiện bằng bản đồ vệ tinh, do ít có thay đổi hiện trạng rừng. Nhưng khi cây keo đã lớn, thu hoạch thì phần lớn rừng tự nhiên thành đồi trọc. Ngoài ra, một số đối tượng nơi khác đến thuê người dân phá rừng để trồng keo, nếu phát hiện thì người dân chịu trách nhiệm,
Để bảo vệ rừng, tỉnh Quảng Nam đã giao khoán phần lớn diện tích rừng tại 11 Ban quản lý cho lực lượng giữ rừng chuyên trách bảo vệ. Riêng huyện Hiệp Đức, chính quyền một số xã hợp đồng với cộng đồng làng ở vùng đệm bảo vệ rừng. Xã Phước Trà đã giao hơn 4000 héc ta rừng cho người dân giữ, kinh phí 600.000 đồng/năm/héc ta. Rừng đã được giao khoán nhưng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Phước Trà đã xảy ra 14 vụ lấn chiếm rừng; 7 vụ phá rừng và đã khởi tố 3 vụ.
Vụ phá rừng tại tiểu khu 529 thuộc xã Phước Trà của huyện Hiệp Đức chỉ là một trong số nhiều vụ phá rừng để trồng keo xảy ra trên địa bàn huyện Hiệp Đức và một số địa phương ở miền núi tỉnh Quảng Nam. Quảng Nam hiện đã giao khoán 290.000 héc ta rừng cho cộng đồng và lực lượng giữ rừng chuyên trách bảo vệ. Tổng số tiền để bảo vệ rừng khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu giao rừng cho cộng đồng bảo vệ mà để xảy ra phá rừng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đánh giá việc giao khoán này có hiệu quả hay không, tránh tình trạng mất tiền, mất luôn cả rừng nhưng huề cả làng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!