Những năm qua, rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã mất đi khá nhiều. Vậy nhưng tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, rừng đại ngàn nơi đây gần như vẫn còn nguyên vẹn. Bởi người dân nơi đây ý thức được, chỉ có giữ được rừng thì họ mới có cơ hội để "đổi đời". Trong những năm qua, có hàng ngàn hộ dân tại hơn 20 ngôi làng sống dọc theo dãy Ngọc Linh đã trồng được hàng chục hecta sâm, gắn với bảo vệ rừng… Tính theo thời giá hiện tại, nhiều hộ dân trong đó có đồng bào dân tộc Xê Đăng đang sở hữu những vườn sâm có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Nỗ lực của đồng bào Xê Đăng tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã được ghi nhận, khi Thủ tưởng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng có lần lên tận núi Ngọc Linh để chứng kiến cách mà bà con làm giàu trên núi… Tại đây, Thủ tướng đã khẳng định, sâm Ngọc Linh chính là "quốc bảo" của Việt Nam, và gắn liền với đó chính là "quốc kế" dân sinh…
Với sự đồng hành của doanh nghiệp, đến nay diện tích trồng sâm ở tỉnh Kon Tum đã lên đến gần 600 hecta. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đã bắt tay vào chế biến sâu, tạo nên những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thể đạt đến giá trị hàng tỷ USD. Lâu nay, với những địa phương có rừng, việc phát triển như thế nào để không phải đánh đổi môi trường là một bài toán khó… Và việc trồng sâm dưới tán rừng, chính là đáp án khá hoàn chỉnh cho bài toán ấy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!