Nghị định 17/2018 sửa đổi bổ sung nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, có nhiều điểm mới đó là chấm dứt hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi, thay bằng chính sách hỗ trợ 1 lần sau đầu tư cho đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite. Cụ thể là tàu đóng mới trên 800 CV sẽ được hỗ trợ 1 lần 35% giá trị con tàu. Cũng theo Nghị định 17 việc hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên tàu xa bờ với mức 100%, tuy nhiên giảm tỷ lệ bảo hiểm thân tàu xuống còn 50%, điểm này tương đồng với hỗ trợ bảo hiểm thân tàu trong chính sách khai thác biển xa trước đây.
Chính sách hỗ trợ 1 lần sau đầu tư được quy định trong Nghị định 17 là rất minh bạch, rõ ràng và song phẳng; giúp giảm thủ tục rất nhiều so với chính sách hỗ trợ tín dụng trước đây. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế lại không hề đơn giản. Điểm nghẽn của vấn đề là ngư dân phải tự tìm nguồn để đầu tư, sau khi hoàn thành con tàu, thì mới được hỗ trợ.
Để có thể đóng tàu và nhận hỗ trợ một lần sau đầu tư theo nghị định 17, ngư dân phải tự ứng vốn ra làm trước. Một số nguồn mà bà con có thể trông cậy gồm: ngân hàng thương mại, dĩ nhiên là phải có thế chấp và việc vay không hề đơn giản, dùng vốn tự có từ tích lũy của gia đình, hoặc huy động từ những đối tác cùng làm ăn và giải pháp cuối cùng là vay "tín dụng đen". Một vấn đề nữa là hỗ trợ một lần sau đầu tư cũng chỉ áp dụng cho đóng mới tàu cá bằng vỏ thép và vỏ composite, có nghĩa là vỏ gỗ là không được hỗ trợ, trong khi đại đa số ngư dân vẫn muốn đóng tàu bằng vỏ gỗ nên thực tế triển khai nghị định từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương chưa có hộ nào đăng ký đóng tàu theo NĐ 17.
Mục tiêu của Nghị định 67 và nay là nghị định 17 sửa đổi bổ sung là cả nước sẽ có thêm hơn 2000 tàu cá công suất lớn, vươn khơi xa và đã đóng mới được hơn 1000 tàu tính đến cuối năm 2017. Như vậy, còn gần 1000 tàu nữa sẽ triển khai theo Nghị định 17, nghĩa là sẽ hỗ trợ 1 lần 35% sau đầu tư và chỉ dành cho tàu vỏ thép, tàu vỏ Composite. Nhưng với thực tế trên, thì câu hỏi đặt ra là liệu chính sách mới này có đi vào cuộc sống? Và nếu thực tế trên kéo dài thì gần 1000 tàu còn lại theo kế hoạch liệu có thể hoàn thành?