TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Nghịch lý đầu tư hồ đập thủy lợi

Ngọc Thuý, Bảo TuấnCập nhật 08:52 ngày 29/12/2024

VTV.vn - Đắk Lắk đang đối mặt với nỗi lo an toàn hồ đập khi có tới hàng trăm công trình xuống cấp, nguy hiểm. Nhiều hồ đập xây dựng đã lâu nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong tổng số 532 đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh thì có đến 108 công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, 7 công trình có nguy cơ mất an toàn. Điều đáng nói, có đến 29 đập bị thấm nước, 107 công trình bị biến dạng. Nhiều đập tràn xả lũ, cống lấy nước, bị xói lở, hư hỏng, gây mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ.

Công trình hồ chứa nước Phù Mỹ, ở xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo là một trong bảy công trình thuỷ lợi có nguy cơ mất an toàn. Sau gần 30 năm sử dụng, nhiều vị trí trên thân đập đã hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Trong 2 năm 2007 và 2013 công trình này đã từng xảy ra hiện tượng nước tràn qua đỉnh đập. Cho đến nay vẫn chưa được đầu tư sửa chữa.

Đắk Lắk là tỉnh có số lượng hồ, đập, công trình thuỷ lợi lớn nhất Tây Nguyên. Nhiều công trình được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước. Quá trình vận hành, không có cán bộ chuyên môn về thuỷ lợi quản lý, khai thác. Mặc khác, việc duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn tới tình trạng các công trình hư hỏng, xuống cấp.

Bên cạnh việc chủ động các phương án phòng chống bão lũ, bảo đảm an toàn hồ đập, thì việc bố trí nguồn vốn để nhanh chóng nâng cấp, sửa chữa các công trình có nguy cơ mất an toàn rất cấp thiết nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, giúp địa phương khai thác tối đa hiệu quả các công trình.

Trong khi nhiều công trình thuỷ lợi xuống cấp chưa thể sửa chữa, nâng cấp do thiếu vốn, thì ở một địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk lắk lại có tình trạng công trình thuỷ lợi được đầu tư mới nhưng không đem lại hiệu quả như kì vọng. Điều này không chỉ làm lãng phí nguồn vốn đầu tư công, mà còn vừa gây bức xúc trong nhân dân.

Dự án đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana có chiều dài 15 km, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Khởi công vào tháng 10/2020, theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối tháng 12/2023. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn ngổn ngang, nhiều hạng mục đang thi công dang dở. Hai bên bờ thân đê được bao bởi những lớp xi măng xong đang có dấu hiệu hư hỏng. Phần sắt cũng hoen gỉ dần.

Dự án đê bao ngăn lũ sông Krông Ana đi qua địa bàn 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết của huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nhằm ngăn lũ dâng hàng năm từ sông Krông Ana, bảo vệ cho khoảng 3.000ha lúa nước và kết hợp giao thông nội đồng. Trong quá trình thi công do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu lượng lớn đất để đắp đê nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ thi công của công trình.

Huyện Lắk là vùng chuyên canh lúa lớn của tỉnh Đắk Lắk với diện tích hàng nghìn ha. Tuy nhiên, đây cũng là vùng rốn lũ, thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa hằng năm, do vậy, việc sớm hoàn thiện tuyến đê bao là mong mỏi của nhiều hộ dân nơi đây.

Năm 2014, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết về an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh, đây là cơ sở để xem xét, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên hiện nay mới đầu tư sửa chữa, nâng cấp được hơn 70 hồ, đập. Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025. Trong đó, ưu tiên các công trình có quy mô lớn, tình trạng hư hỏng nặng cần phải sửa chữa gấp, với tổng kinh phí 25.600 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Kiên quyết chống hàng giả, hàng kém chất lượng

VTV.vn- Thời điểm giáp Tết, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà vẫn diễn biến phức tạp.